Vận dụng kinh tế nền tảng số: Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam

Nguồn: Internet.

Hệ sinh thái quốc tế với nhiều nền tảng lớn nhỏ

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nền tảng số ngày nay không chỉ còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ nữa mà ngày càng trở nên phổ biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Các nền tảng lớn có thể kéo theo sự phát triển của nhiều nền tảng con như một hệ sinh thái. Facebook, Google, Amazon, Alibaba, v.v… là những nền tảng toàn cầu đã tạo ra những nền tảng nhỏ hơn phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một hệ sinh thái chung là những ví dụ điển hình. Trung Quốc đã phát huy sức mạnh của cuộc cách mạng nền tảng số để giúp nền kinh tế nước này trở nên cạnh tranh hơn và đuổi bắt ngày càng nhanh với những nền kinh tế phát triển.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hợp tác sáng tạo là một chiến lược thành công cho các nền tảng.

Cụ thể, các nhà cung cấp Trung Quốc đã sử dụng các hệ sinh thái để phát triển dịch vụ thanh toán di động sáng tạo. Một ví dụ điển hình là Alibaba, công ty này đang tận dụng khôn ngoan một sức mạnh cạnh tranh rất to lớn khác của các nền tảng đó là khả năng kết hợp chặt chẽ các nguồn lực và các kết nối của những đối tác bên ngoài để trở thành những năng lực của chính nền tảng.

Năm 2014, để mở rộng khả năng cung cấp hàng hóa từ Mỹ cho người tiêu dùng Trung Quốc, Alibaba đã thiết lập mối quan hệ đối tác với ShopRunner, một công ty dịch vụ hậu cần (logistics) của Mỹ, bằng cách mua lại cổ phần của công ty này. ShopRunner đã có sẵn những thỏa thuận với các thương hiệu Mỹ. Điều này cho phép Alibaba giao những sản phẩm từ Mỹ đến khách hàng ở Trung Quốc chỉ trong hai ngày.

Trên đà chiến lược này, hiện nay Aliaba đang sở hữu một hệ sinh thái với 9 nền tảng con trong đủ lĩnh vực như với đủ lĩnh vực (AutoNavi cung cấp bản đồ, Taobao với mua sắm trực tuyến, Alipay ứng dụng thanh toán,…).

Thậm chí, nghiên cứu cho thấy, “các chính phủ cũng có thể trở thành một nền tảng” để tạo ra một thể chế thuận lợi và ưu việt hơn.

Một ví dụ hàng đầu là chính sách “dữ liệu mở” của thành phố San Francisco khởi xướng từ năm 2009. Văn phòng Thị trưởng về đổi mới công dân, được thiết kế để xúc tiến việc chia sẻ dữ liệu thành phố thông qua một cổng truy cập mở (DataS), tạo ra quan hệ hợp tác công tư để tạo điều kiện cho sự phát triển của công cụ mà dân và doanh nghiệp có thể sử dụng.

Bằng cách sử dụng thông tin từ DataSF, hàng loạt ứng dụng được ra mắt như Neighborhood Score cung cấp số liệu về sức khỏe, Buildingeye cho phép người dùng dễ dàng xây dựng và lập kế hoạch dự án, Yelp một nền tảng đánh giá nhà hàng kết hợp với điểm số đánh giá của sở Y tế thành phố đối với các món ăn địa phương.

Ngoài các khả năng trên, các nền tảng số còn có khả năng tạo ra cuộc cách mạng lao động, khi mà xu hướng làm việc tự do, tự chủ và lao động theo con đường phi truyển thống sẽ tiếp tục tăng tốc.

Theo tạp chí Foreign Policy của Mỹ, Trung Quốc có kinh tế nền tảng lớn nhất thế giới với hơn 110 triệu người, bao gồm cả tài xế, người trông giữ thú cưng, người dọn dẹp nhà cửa, người đưa thư…, chiếm 15% tổng lực lượng lao động (so với 10% ở Hoa Kỳ và 4,4% ở Anh). Đội quân nhân công nền tảng này phần lớn là những người lao động nhập cư có trình độ học vấn thấp, người đã nghỉ hưu, công nhân bị sa thải từ nhà máy…

Như vậy, các nền tảng đóng vai trò nhất định trong giải quyết thất nghiệp và thiếu việc làm, thông qua đó cải thiện kĩ năng của những người lao động, giúp họ thích ứng với công nghệ hơn.

Ngoài ra, vận dụng kinh tế nền tảng số giúp đổi mới sáng tạo rất đáng kể. Khác với cách tiếp cận công cụ tạo ra nguồn cung, cách tiếp cận nền tảng phát hiện ra nguồn cung cấp mới. Chẳng hạn như Twitter, Facebook cho phép bất cứ ai trở thành một nguồn tin tức mà không cần phải trở thành một nhà báo. YouTube tăng kho nội dung mà không cần thiết lập nhà truyền thông mới. ELance cho phép các công ty hoàn thành công việc mà không phải thuê người làm công việc này. Chính sự sáng tạo của các nền tảng trong cách tiếp cận kinh doanh đang cổ vũ những đổi mới sáng tạo ở người dùng.

Các nền tảng số tại Việt Nam tự thân phải trở nên cạnh tranh hơn

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, các nền tảng số đã và đang góp một phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin như các ứng dụng về bản đồ, các platform thiết kế website,…

Bên cạnh các hoạt động giao dịch, các nền tảng cũng là nơi thích hợp để diễn ra các hoạt động, giáo dục, đào tạo, trao đổi kiến thức kĩ năng.

Một số nền tảng nổi bật trong lĩnh vực này của Việt Nam như Topica, Edumall, Kyna, Học mãi… đang phát triển nhanh chóng.

Theo nghiên cứu của Ambient Insight, Việt Nam hiện nằm top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% trong năm 2018.

Trước sự phát triển nhanh chóng của nền tảng số theo hệ sinh thái trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và Trung Quốc, bài học cho Việt Nam được VEPR chỉ ra là: Kinh tế nền tảng số là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia.

“Do vậy, để tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam trước hết tự thân các nền tảng phải trở nên cạnh tranh hơn. Chiến lược mà nhiều quốc gia đang sử dụng là tạo dựng hệ sinh thái nền tảng, ở đó sự hợp tác và đồng sáng tạo kết nối các nền tảng với nhau”, nghiên cứu của VEPR đưa ra khuyến nghị.

Minh Nhật

Nguồn: Báo Doanh Nhân Việt