Văn hóa 'chìa khóa' giúp doanh nghiệp phát triển và hội nhập

Muốn phát triển bền vững và hội nhập phải coi văn hóa là yếu tố cốt lõi bởi mọi thứ đều có thể sao chép, trừ văn hóa doanh nghiệp

Ông Hoàng Văn Linh - Chủ tịch Công ty CP thời trang Aligro chia sẻ, tuy mới thành lập được 5 năm nhưng công của ty chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề văn hóa doanh nghiệp. Bởi chúng tôi xác định đây là yếu tố cốt lõi và là một trong những tiêu chí để doanh nghiệp phát triển bền vững cũng như hội nhập.

Văn hóa doanh nghiệp không phải vấn đề gì quá cao sang mà nó xuất phát từ nội tâm, từ bên trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng nhỏ thì càng phải quan tâm xây dựng văn hóa cho riêng mình nếu không xây dựng được văn hóa thì doanh nghiệp không thể đi xa, phát triển bền vững và lớn mạnh”, ông Linh nói.

Ngày nay, vai trò của văn hóa đã và đang khẳng định được vị thế trong phát triển doanh nghiệp. Phát triển văn hóa doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là mục tiêu và đây chính là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo ông Josep Lee, Koica – Hàn Quốc, mỗi doanh nghiệp sẽ có văn hóa khác nhau nhưng nhân tố quan trọng nhất vẫn là tinh thần doanh nghiệp, các doanh nghiệp ở Hàn Quốc có thể thành công được chính là nhờ vào tinh thần doanh nghiệp này.

“Bên cạnh đó, tinh thần của lãnh đạo cũng rất quan trọng, ví dụ như các trưởng phòng hay giám đốc đều phải có tinh thần chung, tương đồng với tinh thần doanh nghiệp. Họ phải cùng chia sẻ chung một tầm nhìn, một mục tiêu cũng như mục đích của doanh nghiệp. Để đạt được mục đích này thì họ cần phải được đào tạo rất tốt”, ông Josep Lee, Koica chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp của các tập đoàn Hàn Quốc.

Ông Josep Lee, Koica chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp của các tập đoàn Hàn Quốc

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình, là hồn cốt của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ người lãnh đạo đến nhân viên nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ hướng đến người tiêu dùng và cộng đồng. Việc này giúp doanh nghiệp vừa có doanh thu, lợi nhuận, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội.

“Công nghệ thì doanh nghiệp có thể mua được, con người cũng có thể thuê nếu trả mức lương cao nhưng văn hóa thì phải tự xây dựng và phát triển. Vì vậy, theo tôi việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ giúp công nhân viên, người lao động đoàn kết vì mục tiêu chung của doanh nghiệp” ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tùy thuộc vào quy mô, mục tiêu, tính sở hữu,… Làm thế nào để có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhờ vào tinh thần doanh nghiệp và tinh thần lãnh đạo. Trong đó, lãnh đạo cần chia sẻ chung tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp định hướng, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết, tạo động lực cho nhân viên và là chìa khóa để doanh nghiệp hội nhập, phát triển bền vững.

Ông Josep Lee, Koica nhận định, ở Việt Nam các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là tương lai của đất nước. Hiện nay, Việt Nam rất để ý đến các doanh nghiệp này vì vậy, Chính phủ phải có động thái mạnh mẽ để thay đổi văn hóa doanh nghiệp, có những chính sách hỗ trợ cụ thể để có thể hỗ trợ, thay đổi văn hóa giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Ông lấy ví dụ, ở Hàn Quốc có rất nhiều các tổ chức họ làm việc rất hiệu quả để hỗ trợ cho việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Nhưng về phía doanh nghiệp cần phải có định hướng, tầm nhìn và phải tuân thủ theo quy tắc quốc tế và cần phải có đào tạo không ngừng.

Cùng với đó nhiều chuyên gia cho rằng, văn hóa doanh nghiệp có rất nhiều nội hàm, trong đó thương hiệu của doanh nghiệp chính là một phần cốt lõi, vì vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình tới cùng. Mỗi doanh nghiệp có một văn hóa riêng dựa trên phong cách của người lãnh đạo.

Dương Thành - Bảo Loan

Nguồn: Báo DĐDN