Cách mạng tháng Tám thành công khởi phát một kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Sau này người Việt Nam còn thực hiện nhiều cuộc cách mạng giải phóng dân tộc có tính bước ngoặt (1954, 1975).
Chiến tranh như là quy luật, là nét đứt đoạn cần thiết trong chu trình phát triển của loài người. Lịch sử minh chứng, khả năng rút ra bài học kinh nghiệm từ chiến tranh giúp ích rất lớn cho công cuộc xây dựng kinh tế và bảo vệ đất nước.
Nhật Bản được nhắc đến thường xuyên như ví dụ tốt nhất, sau 1945 họ bại trận trong thế chiến II, thiếu năng lượng, nhân lực, cơ sở vật chất tổn thương nặng, nhưng chỉ 6 năm sau Nhật Bản “lột xác” ngoạn mục, đến năm 1973 họ hùng dũng trở lại chiếm vị trí số 2, sau Mỹ!
Ngoài cách chương trình cải cách đúng đắn, có một “đặc sắc Nhật Bản” được tạo nên từ giá trị tinh thần, tôi luyện qua khó khăn, đó là đức tính tiết kiệm và hăng say lao động.
Một chuyên gia Nhật rất tiếng tăm trong lĩnh vực xây dựng đến Việt Nam, ông bất ngờ vì khi dự xong hội thảo hàng chục chai nước uống dở bị bỏ lại. Nhiều người ngạc nhiên bởi tầm cỡ như ông mà đi đâu cũng mang theo chai nước, uống hết sạch và mang vỏ về tận văn phòng gom lại!
Một trong những bài học quan trọng nhất mà cách mạng tháng Tám để lại cũng chính là tiết kiệm: Tiết kiệm nguồn lực tài chính, cơ hội, tích lũy lực lượng vũ trang, khoan sức dân.
Cũng nhờ tiết kiệm mà sau cách mạng, chính quyền non trẻ thiếu thốn trăm bề nhưng đã vượt qua thù trong giặc ngoài.
Bài học tiết kiệm đến nay vẫn còn nguyên tác dụng, nhưng phát sinh thêm chuyện lãng phí, tham nhũng, đó cũng là một tính cách tồi của người Việt. Sự lãng phí có mặt ở nhiều tầng nấc, từ bữa ăn, bàn tiệc cho đến ngân sách địa phương, quốc gia, và cả cơ hội bị bỏ lỡ…
Không biết tiết kiệm còn biểu hiện ở vấn đề làm ăn kém hiệu quả, quá nhiều những dự án hao tiền tốn của nhưng rút cuộc không biết để làm gì; ban hành những chính sách bất cập cắt cụt cơ hội cho doanh nghiệp.
Sở dĩ, cách mạng tháng Tám thành công là nhờ biết tận dụng cơ hội “ngàn năm có một” - ở khoảng thời điểm rất ngắn khi quân Nhật đầu hàng và quân đồng minh sắp tiến vào giải giáp.
Cách mạng tháng Tám có thể rút ra nhiều bài học áp dụng cho hôm nay (Ảnh tư liệu)
Lý giải hiện tượng vì sao có sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các quốc gia, nhiều nhà kinh tế cho rằng, khác biệt ở chổ nắm bắt cơ hội.
Sự giàu có ở Mỹ cũng do họ biết tận dụng cơ hội một mình án ngữ một nửa châu lục, ngăn cách giữa hai đại dương lớn nên chiến tranh không lan đến. Và ngược dòng lịch sử nhà Nguyễn từng bỏ qua cơ hội cải cách như Thiên Hoàng Minh Trị Nhật Bản.
Việt Nam từ sau 1975 đến nay cũng tuột khỏi tay nhiều cơ hội, lẽ ra nên mở cửa hội nhập sớm hơn chứ không phải đến năm 1990. Kinh tế bao cấp lấy mất cơ hội xây dựng và phát triển thị trường.
Cuộc vật lộn giữa tư duy cũ và mới là quá trình gian khổ, nói như ông Mai Liêm Trực (Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện) “thời kỳ đầu, lợi ích do Internet đem lại vẫn còn mơ hồ với nhiều người nên việc thuyết phục lãnh đạo các cấp cho mở Internet cũng là việc không dễ dàng”.
Hay như phát triển kinh tế công nghệ, lẽ ra phải song hành từ lúc Việt Nam nối mạng Internet toàn cầu, từ năm 1997 đến nay trên thế giới có rất nhiều cái tên khổng lồ được khai sinh, nhưng ở Việt Nam không có nhiều.
Dĩ nhiên, nhìn thấy cơ hội, dũng cảm quyết định nắm bắt cơ hội cần nhiều yếu tố, trước hết là bản lĩnh, trí tuệ của người đứng đầu. Như cách mạng tháng Tám, yếu nhân nổi bật chính trí tuệ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Sâu xa hơn, để nhìn thấy cơ hội, cá nhân người đứng đầu phải hội đủ tri thức đa phương diện, tư duy biện chứng Triết học và quá trình từng trải thực tiễn để đưa ra các phán đoán logic trên cơ sở xâu chuỗi sự kiện.
Không tự nhiên mà thời điểm trước trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định phe đồng minh chắc thắng trong thế chiến thứ II, hoặc sau này Hồ Chí Minh tiên đoán cơ hội thống nhất đất nước sẽ đến vào khoảng 1974 - 1975.
Nói đúng hơn, từ chiến tranh đến hòa bình cho thấy luôn cần những bộ óc chiến lược. Ngày nay còn phức tạp hơn, xu hướng “bạn - thù, đối thủ - đối tác, đối thoại - đối đầu, cơ hội - thách thức” trộn lẫn, cần hơn lúc nào hết vị minh quân, bộ máy trong sạch, bản lĩnh.
Cơ hội của Việt Nam hiện nay là gì? Có thể nói luôn, đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Brexit, là các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ký và có hiệu lực
Nguy cơ là mất chủ quyền biển đảo, tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức cách mạng, đạo đức xã hội, hệ giá trị đảo lộn.
Về nội lực là dân số dồi dào, lực lượng lao động đông đảo, tài nguyên thiên nhiên vẫn còn, chính trị ổn định… nếu lúc này không tận dụng, Việt Nam còn tụt hậu xa hơn.
Như mọi cuộc cách mạng vũ trang giành chính quyền, yếu tố đoàn kết dân tộc là sức mạnh sống còn, nó hiển nhiên đến mức chân lý. Cách mạng tháng Tám chỉ có 3 từ “Tổng khởi nghĩa”. Phải làm gì lúc này để tái hiện tinh thần đoàn kết dân tộc như những năm tháng chiến tranh?
Cần tái hiện tinh thần đoàn kết dân tộc trong công cuộc phát triển, hội nhập
Doanh nghiệp lớn và siêu lớn không tự mình đứng độc lập, bản chất của Google, Facebook, Toyota, Honda, Intel, Samsung, Apple hay bất kỳ đế chế kinh tế nào đều là những dạng liên kết dọc và ngang từ đồng minh trong nước và M&A quốc tế.
Điều đó cho thấy gì? Đó là khả năng hợp tác, liên kết hỗ trợ nhau trong quá trình vươn vượt ra khỏi lãnh thổ trở thành thương hiệu toàn cầu.
Trong một cuộc hội thảo mở về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt cách đây vài năm, một sinh viên đã tuyên bố nếu có cơ hội, sẽ ra nước ngoài học hỏi và về cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là cạnh tranh với Trung Nguyên.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng giám đốc Trung Nguyên cho rằng, cạnh trạnh như vậy sẽ được gì. Tại sao chúng ta không cùng nhau xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia, với các doanh nghiệp trên thế giới?
Việt Nam chưa có thương hiệu toàn cầu đúng nghĩa, trong khi tự cạnh tranh nhau, tự làm suy yếu nhau, tự xé lẻ sức mạnh thì bỏ ngỏ thị trường cho đối thủ ngoại.
Điều gì khiến người Việt ngày càng mất đoàn kết? Và cần làm gì để hào khí ngày xưa tái hiện trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay? Cần chất xúc tác nào đó đủ mạnh giống như khát khao được “độc lập - tự do - hạnh phúc”?
Hiện tượng bóng đá năm 2018 cho thấy lòng tự hào của người Việt rất mãnh liệt - nhưng chỉ được đặt vào thể thao. Chí sĩ thời xưa cảm thấy nhục nhã vì mất nước thì hôm nay nghèo khó tụt hậu cũng xót xa không kém.
Cách mạng tháng Tám còn để lại thông điệp cứng rắn, dân tộc Việt Nam trường tồn đến hôm nay là có lý do, đó là chính nghĩa. Không một thế lực phi nhân, phi pháp, phi nghĩa nào có thể chiến thắng chính nghĩa đó.