Để thực hiện mục tiêu dẫn đầu chuyển đổi số trong chiến lược VNPT4.0, bên cạnh nâng cao chất lượng nhân sự, tập đoàn phải chọn đúng hướng phát triển, đồng thời đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu ở các lĩnh vực công nghệ mới. Từ đó, VNPT đặt nền móng vững chắc để vươn ra thị trường quốc tế.
Nâng cao chất lượng nhân sự
Tư duy đổi mới của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) bắt đầu từ năm 2013-2014, khi đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn được đưa lên các vị trí lãnh đạo cao nhất tập đoàn. Ngoài tư duy nhân sự, VNPT còn đổi mới về chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu toàn diện. Thay vì lao vào cuộc cạnh tranh sống còn ở thị trường viễn thông, VNPT chuyển hướng đầu tư hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số.
Khát vọng trở lại trở lại vị trí số 1 tại thời điểm đó được “thuyền trưởng” Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn, truyền tới toàn thể cán bộ và nhân viên: “Tôi muốn làm bùng lên ngọn lửa khát vọng của con người VNPT. Đó là khát vọng làm thế nào khai phá thị trường dịch vụ mới, khát vọng đưa VNPT trở lại ngôi vị số 1 và vươn ra thế giới”.
Sau 5 năm, VNPT tái cơ cấu toàn bộ nhân lực với quy trình tuyển chọn, sàng lọc, đào thải liên tục, tìm ra những cá nhân chuyên môn cao, nhạy bén, đáp ứng guồng quay thị trường. Không chỉ vậy, tư duy quản trị chiến lược, kinh doanh cũng liên tục đổi mới, giúp tập đoàn có vị thế vững chắc trong cung cấp các dịch vụ viễn thông - CNTT trọng yếu.
Chọn đúng hướng đi
Ban lãnh đạo tập đoàn đưa định hướng VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025, đồng thời trở thành trung tâm dịch vụ số (digital hub) của châu Á vào năm 2030. Từ khát vọng này, VNPT xác định vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số tại Việt Nam.
Trong 2 năm, VNPT liên tiếp được Chính phủ đặt hàng 3 hệ thống phần mềm lớn. Theo đó, cuối năm 2018, VNPT được giao nhiệm vụ xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia. Sau hơn 4 tháng, trục hoàn thành đi vào hoạt động. Đến nay, khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính.
Sau thành công này, VNPT tiếp tục được Chính phủ giao trọng trách xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Ra mắt cuối năm 2019, sau 8 tháng vận hành, cổng DVCQG phát triển nhanh từ 8 nhóm dịch vụ công ban đầu lên 1.000 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Chi phí tiết kiệm cho xã hội ước tính hơn 6.700 tỷ đồng mỗi năm.
Mới nhất, VNPT ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống là điểm nhấn quan trọng, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin trên văn bản giấy sang dữ liệu số, là một trong những yếu tố cốt lõi của hạ tầng số thông minh. Từ trung tâm, lãnh đạo Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo, điều hành trực tiếp, nhanh chóng đến các bộ, ngành, địa phương.
Đặt mục tiêu vươn ra thế giới
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, VNPT tập trung nguồn lực xây dựng hệ sinh thái các giải pháp số (VNPT digital ecosystem), nhằm cung cấp đầy đủ nhu cầu số hàng ngày như giải trí, tài chính, học tập, chăm sóc sức khỏe… Từ khi bắt đầu tái cơ cấu, VNPT từng bước kiện toàn công tác xây dựng chiến lược, cấu trúc, quy hoạch, kế hoạch phát triển trung và dài hạn về mạng lưới, dịch vụ.
Đến nay, tập đoàn không chỉ có mạng di động 3G/4G tiếp cận 96% dân số, mạng băng thông rộng cố định tốc độ cao, mà còn sở hữu 2 trung tâm IDC tiêu chuẩn Tier 3 tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội) và Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM). Đồng thời, tập đoàn tiếp tục phát triển hạ tầng CNTT đáp ứng nhu cầu dịch vụ nội bộ và cho khách hàng, đặc biệt là khối khách hàng chính quyền.
VNPT đẩy mạnh hợp tác để nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới gồm: AI, blockchain, IoT, cyber security... Điều này tạo nền tảng cho mục tiêu dẫn dắt chuyển đổi số, nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và là trung tâm giao dịch số của châu Á.
Tập đoàn có thành tích đánh dấu ấn hành trình xây dựng sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ tiên tiến đạt chất lượng quốc tế. Cụ thể, VNPT nhận 15 giải thưởng tại “Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương 2020”, cho thấy định hướng phát triển thị trường ngoài Việt Nam là đúng đắn. Đây là bước đệm quan trọng để tập đoàn từ vị thế dẫn đầu công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, tiến dần đến khai thác thị trường châu Á và toàn cầu, hiện thực hóa giấc mơ vươn ra thế giới.
Các sản phẩm công nghệ số của VNPT được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, như bộ giải pháp Chính phủ điện tử tại 55 tỉnh, thành phố; phần mềm VNPT-iOffice trên toàn quốc tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh, giải pháp du lịch thông minh cho gần 50 tỉnh, thành phố; gần 55% cơ sở y tế sử dụng VNPT-HIS; gần 60% trường học sử dụng giải pháp vnEdu… VNPT cũng triển khai trung tâm điều hành thông minh IOC tại Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm khác.