Walmart ngỏ ý chung vốn với Microsoft mua lại TikTok: Chiến lược kinh doanh cao tay ẩn dưới ý tưởng ai cũng cho là 'không liên quan'

Walmart - chuỗi siêu thị Mỹ 58 tuổi, chuyên bán đồ dùng hàng ngày, từ quần áo, thực phẩm đến TV. TikTok là ứng dụng video của Trung Quốc thời gian gần đây trở nên phổ biến tầm cỡ toàn cầu, thu hút hàng trăm triệu người dùng tuổi teen.

Nhìn bề ngoài, rõ ràng 2 cái tên kể trên hoàn toàn không có bất kỳ mối liên quan nào đến nhau. Chính bởi vậy, tuyên bố vào tuần trước của Walmart rằng họ sẽ hợp tác với Microsoft trong thương vụ mua lại TikTok ở Mỹ khiến rất nhiều người ngạc nhiên.

Tuy vậy, với những nhà phân tích đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng phi mã trong lĩnh vực thương mại xã hội (sự kết hợp giữa truyền thông xã hội và mua sắm online) tại Trung Quốc, quyết định của Walmart là hoàn toàn có cơ sở.

Phiên bản tại Trung Quốc của TikTok – Douyin là một trong các ứng dụng tại nước này tiếp cận lượng người dùng đông đảo thích mua sắm qua các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ, người dùng Douyin và Kuaishou (thuộc Tencent) có thể mua đồ sau khi xem video ngắn về sản phẩm. Họ tìm đến kênh livestream của những người có ảnh hưởng lớn (influencer) tại các nền tảng này và mua đồ họ bán. Người dùng thậm chí còn có thể hỏi trực tiếp và nhận câu trả lời ngay lập tức về sản phẩm, hoặc sử dụng chương trình giảm giá mạnh chỉ có trên các ứng dụng này.

Mô hình này tương tự phiên bản hiện đại của việc mua sắm qua truyền hình, nhưng mang tính xã hội cao hơn và thông qua các màn hình nhỏ hơn. "Đây là giải trí kết hợp mua sắm", Kitty Fok – lãnh đạo hãng nghiên cứu thị trường IDC cho biết. "Đó là một thị trường khổng lồ".

Tính năng này cũng là lực đẩy lớn cho doanh thu của Douyin và các ứng dụng khác. Những nền tảng này kiếm tiền từ quảng cáo và hoa hồng trên các sản phẩm được bán trong ứng dụng.

Thương mại xã hội tại Trung Quốc có quy mô 186 tỷ USD năm ngoái, cao gấp 10 lần tại Mỹ, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường eMarketer. Thị trường Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 30% năm nay, lên 242 tỷ USD.

Tiếp cận TikTok cũng đồng nghĩa với việc Walmart thừa nhận tầm quan trọng của thương mại điện tử. Thứ 5 tuần trước, công ty này cho biết có mối quan tâm đến TikTok do ứng dụng này "tích hợp được thương mại điện tử và năng lực quảng cáo tại các thị trường khác". Walmart cho rằng TikTok có thể giúp họ tăng tiếp cận người tiêu dùng.

Eric Schiffer – CEO công ty đầu tư cổ phần tư nhân Patriarch Organization cho rằng thành công của Trung Quốc đến từ việc áp dụng sớm và rộng rãi các hệ thống thanh toán thân thiện với nền tảng di động. Đây là điều mà Mỹ đang đi sau ít nhất 3 năm. Để thành công với TikTok, Walmart có lẽ cần phải tạo ra công nghệ thanh toán tương tự và khuyến khích người dùng trẻ của TikTok sử dụng.

"Cuộc chiến giành khách hàng trẻ tuổi nằm ở việc tìm ra nền tảng họ đang dành nhiều thời gian vào đó", Schiffer cho biết, "Có khả năng tích hợp thanh toán là điểm mấu chốt để tối đa hóa lợi nhuận trên khoản đầu tư vào TikTok". Greg Paull – Giám đốc hãng nghiên cứu marketing R3 cho rằng Walmart muốn có "hàng triệu người bán hàng và doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử và trả tiền hoa hồng".

TikTok cho biết họ có khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ. Còn trên toàn cầu, họ có gần 690 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng. Gần 70% số này nằm trong độ tuổi 16-24, R3 cho biết.

"Trên TikTok, Walmart chỉ có 1,8 triệu người theo dõi, thấp hơn rất nhiều so với các influencer tuổi teen như Loren Gray (46 triệu người theo dõi). Vì thế, họ vẫn còn dư địa phát triển", Paull nói.

Sở hữu TikTok cũng có thể giúp Walmart cạnh tranh tốt hơn với gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon. "TikTok sẽ giúp các nền tảng thương mại điện tử của Walmart được chú ý hơn. Walmart sẽ hấp dẫn hơn với những người bán hàng bên thứ ba", Michael Baker – nhà phân tích cấp cao tại DA Davidson cho biết.

Cuối cùng, việc cũng Microsoft cũng đang cạnh tranh khốc liệt với Amazon trong mảng điện toán đám mây càng khiến họ trở thành đối tác hoàn hảo của Walmart trong thương vụ này.


Nguồn: Báo Tổ Quốc