WB: Phát thải khí nhà kính vượt tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Tốc độ phát thải khí nhà kính đang vượt qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, thể hiện chủ yếu ở sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc sản xuất điện từ đốt nhiên liệu chứa hàm lượng carbon cao.  

Đây là một trong những cảnh báo của ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội ngày 5/12.

Mở đầu bài phát biểu khá dài về kinh tế Việt Nam, ông Ousmane Dione đánh giá Việt Nam ngày nay đã nổi lên như một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và là nước xuất khẩu đang phát triển mạnh.

 Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Tuy nhiên, ông này cho rằng hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu, và những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai.

"Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn", ông Ousmane Dione cho hay.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Có thể thấy rõ điều này với sự suy thoái đất và xói mòn đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí ngày càng tăng nhanh, làm suy thoái nguồn nước, phá rừng và gây áp lực lên đa dạng sinh học.

Tốc độ phát thải khí nhà kính đang vượt qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, thể hiện chủ yếu ở sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc sản xuất điện từ đốt nhiên liệu chứa hàm lượng các bon cao.

Theo Chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường do Đại học Yale xây dựng để xếp hạng 180 quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 132. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn.

Hoạt động quản lý tài sản tự nhiên của Việt Nam và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và du lịch.

Ngoài vấn đề về môi trường, Giám đốc WB tại Việt Nam khuyên Việt Nam nên cơ cấu lại thu hút vốn đầu tư nước ngoài, quyết tâm hơn nữa cải cách khu vực công, thúc đẩy cơ chế thị trường cho tư nhân và tuân thủ luật chơi và thông lệ quốc tế....

"Cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được đẩy mạnh mạnh mẽ, để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế", Giám đốc WB tại Việt Nam nói.

Ông này cho rằng, để tăng năng suất gắn với tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân.

Việt Nam cần sử dụng một cách hiệu quả, chiến lược nguồn vốn ODA để bổ sung nguồn vốn đầu tư công trong nước và tận dụng được những lợi ích phi thương mại, bí quyết kinh doanh và đầu tư tư nhân.


Nguồn: Theo Dân trí