Xe buýt Kỹ thuật số của Google sẽ đào tạo kỹ năng số cho các doanh nghiệp vùng sâu vùng xa trên 59 tỉnh, thành

Bắt đầu từ tháng 6/2018, chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 do Google khởi xướng, với sự bảo trợ của Bộ Công Thương cùng gần 200 đối tác trên cả nước nhằm đào tạo kỹ năng số cho 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB).

Sáng nay, Google và Bộ Công Thương đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 (Accelerate Vietnam Digital 4.0), một sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sáng kiến đã được khởi động từ năm 2018. Mối quan hệ hợp tác này sẽ tạo điều kiện để mở rộng quy mô và phạm vi dự án, đặc biệt đưa đến các vùng nông thôn để tiếp cận nhiều người Việt Nam hơn và giúp họ thành công.

Chuyến xe sẽ đi đến 59 tỉnh thành tại Việt Nam từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2020

Xe buýt Kỹ thuật số là một hoạt động mở rộng từ chương trình, giúp các doanh nghiệp tại các vùng ngoại thành, vùng sâu vùng xa, tiếp cận với kiến thức số.

Chuyến xe sẽ đi đến 59 tỉnh thành tại Việt Nam từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2020. Tại mỗi tỉnh, thành, xe buýt Kỹ thuật số sẽ dừng 5 ngày để huấn luyện, mỗi ngày có 2 buổi, sáng và chiều, với 6 bài học cơ bản về kỹ năng số và kỹ năng mềm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Google cho biết số lượng học viên của mỗi buổi học là 29 người/buổi và giảng viên là các chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị số.

Chương trình đào tạo Xe buýt Kỹ thuật số sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận với các công nghệ, được học hỏi về và kỹ năng tận dụng Internet, các phần mềm, công cụ để áp dụng trong kinh doanh. Theo Google, đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và công nghệ số là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ASEAN, khoảng 98% doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khu vực kinh tế quan trọng này chiếm đến 64% tổng số việc làm quốc gia và 45% GDP quốc gia. Việt Nam dẫn đầu trong số tất cả các nước ASEAN về thị phần kinh tế kỹ thuật số, với 9 tỷ USD tổng giá trị giao dịch (GMV), chiếm khoảng 4% GDP trong năm 2018.

Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã tăng gấp ba lần từ năm 2015 đến 2018 và được dự báo sẽ tăng thêm gấp ba lần vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 25%. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chỉ có 16% các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á thực sự tận dụng được các công cụ kỹ thuật số.

Bảo Bình

Nguồn: Báo ICTNews