(Ảnh minh họa)
Người quen của tôi là một giáo viên yêu nghề, từng giành nhiều giải thưởng, có sáng kiến kinh nghiệm được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp ngành, vì thế nhiều học sinh xin học thêm, còn chồng chị là công chức Ngành thuế, gia đình có thu nhập cao và khá ổn định.
Có thể nói, họ là một gia đình mẫu mực về nghề nghiệp, khi người ở ngoài mơ được như họ, thì họ vẫn nuôi dưỡng những mơ ước khác.
Vài lần gặp, thấy anh, chị khá bận rộn với những cuộc điện thoại trao đổi thông tin liên quan đến đất đai, những dự án mà thậm chí tôi còn chưa nghe tên bao giờ.
Hỏi ra thì biết vợ chồng anh, chị làm thêm nghề buôn bán bất động sản. Theo nghề ấy đòi hỏi sự nhanh nhạy và ít nhiều phải có cả độ liều.
Theo anh cho biết thì phải biết tính toán, dự báo trước những chuyển động để đón đầu. Những dự án, những mặt bằng mà anh nhắc đến tôi không biết là chuyện đương nhiên, bởi tôi là dân ngoại đạo. Khi mà toàn dân biết rồi thì giá trị thông tin không cao nữa, đất lúc ấy đắt đỏ lắm, có mua được lời lãi cũng không nhiều. Phải mua đất từ khi nhà đầu tư mới có ý tưởng dự án.
Một khi bằng lòng với việc “đón đầu” dự án, thông tin thật có, thông tin ảo cũng có, nghĩa là phải chấp nhận rủi ro.
Những người theo nghề bất động sản như vợ chồng anh chị bây giờ nhiều lắm. Thời gian gần đây các diễn đàn đất đai nhan nhản trên không gian mạng, ở quán ăn sáng cũng nghe, ngồi uống trà đá vỉa hè cũng nghe, đến cơ quan làm việc cũng thấy xì xào… Người có tiềm lực, có kinh nghiệm làm thật, cũng có cả những người làm theo kiểu “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”. Đất vì thế sốt từng ngày, sức hút tăng theo mức độ thông tin dự án. Mà thông tin có thể thật nhưng cũng có thể là ngụy tạo do chính những người trong nghề môi giới và đầu cơ tạo ra để trục lợi, người tỉnh thì thắng, người không tỉnh thì dễ bại. Giá đất đẩy lên cũng là do đầu nậu, dìm xuống cũng là họ. Mọi sự phức tạp về đất do chính bởi những người như thế tạo ra, an ninh, an toàn kinh tế, trật tự xã hội ở một số địa phương, tại một số thời điểm khó tránh khỏi bị chi phối.
Tôi vừa tiếp cận được những thông tin giật mình đăng trên Tạp chí “Cuộc sống an toàn” rằng, giá đất đang sôi sục khắp nơi, tăng trung bình tới 10% chỉ sau 1 tháng, thậm chí một số nơi tăng gấp 2 - 3 lần chỉ trong thời gian ngắn.
Ở nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Chuyện rao bán đất ruộng, đất chỉ để trồng cây gây rừng... đập vào mắt, tràn vào mặt, đầy khắp các nơi. Thông tin này do ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phát ngôn trên báo.
Mặc cho cảnh báo, khuyến cáo hay lời lỗ thế nào, mua bán ra sao, thì người ta vẫn mua bán với niềm tin khấp khởi mình sẽ là người thắng cuộc.
Kinh nghiệm của hàng chục năm qua cho thấy đất vẫn lên, nhà vẫn tăng, người đẻ chứ đất không đẻ và đổ tiền vào đất, nếu chịu đựng được vẫn thắng.
Những suy nghĩ vừa đúng cũng vừa có phần cực đoan, duy ý chí của một bộ phận người, đã làm cho cơn sốt đất lần này chưa biết sẽ dừng ở đâu và vào khi nào.
Nhiều người đầu cơ kệ rằng từng đã có những bong bóng đất đai trước đó, và họ tin rằng đầu tư thắng hay thua phần nhiều là do duyên số, bởi ý chí con người.
Có ý chí, giàu khát vọng dễ thành công, nhưng phải dựa trên những cơ sở thực tiễn về quy hoạch, về đời sống dân sinh, “sức khỏe” nền kinh tế, chứ không nên mơ hồ để thiêu thân vào đất đến mức đổ tiền ra mua cả những cánh đồng hoang, vườn đồi ở nơi xa xôi vì những thông tin dự án sẽ hiện thực ở đây nay mai mà không hề kiểm chứng tính sát thực đến đâu. Nhiều người đang bỏ ra đồng tiền, thậm chí là tiền đi vay ngân hàng bằng một ý chí có phần sắt đá.
Có những mặt bằng giá trị tăng lên gấp đôi, gấp ba giá khởi điểm khi thực hiện đấu giá. Có những người mua được đất, ngay sau khi kết thúc phiên đấu giá đã được nhà đầu tư đất trả tăng lên gấp rưỡi và hơn thế.
Đất đai với ma lực ghê gớm tại thời điểm hiện nay khiến cho giá đất sốt chưa từng có và ở khắp nơi, khiến nhiều người quay cuồng.
Nhưng dù có say đến mấy cũng mong nhà đầu tư hãy thật tĩnh tâm suy xét, phân tích thấu đáo để làm chủ dòng vốn của mình. Bởi sau những con sốt đất dù thực hay ảo cũng để lại những hệ lụy.
Hệ lụy về sự phức tạp xã hội và cả hệ lụy về sự đình trệ công việc. Đơn cử như gia đình anh, chị bạn mà tôi biết. Cứ mải mê theo đất, lên xuống theo đất, thử hỏi cô giáo có còn đủ đam mê để viết sáng kiến kinh nghiệm và chuyên tâm dạy học trò. Còn anh sẽ thế nào với khối công việc khá lớn được giao trong guồng quay Ngành thuế đang không ngừng cải cách và đổi mới vì một nền hành chính thuế lành mạnh, vì dân, vì doanh nghiệp.
Ai cũng có quyền mơ ước, có quyền đầu tư và thực hành khát vọng của mình, nhưng phải phù hợp với pháp luật, điều kiện, hoàn cảnh công việc. Đừng vì sự quay cuồng mà bị cuốn theo theo cơn sốt đất, làm cho một số lĩnh vực, ngành nghề khác bị đình trệ, bản thân công việc mình được giao bê trễ...
Công việc của anh, chị bạn tôi thu nhập hàng tháng có thể không cao bằng trúng một lô đất, nhưng ổn định và bình yên, Nhà nước có lợi, cá nhân có lợi.
Chẳng may bong bóng đất vỡ ra như từng vỡ một số lần trước đó, những người mải mê kinh doanh đất có còn đủ tín nhiệm và tinh thần để trở lại với công việc cũ của mình hay không? Một sự quay cuồng với đất đang tạo ra những câu hỏi lớn.