3 bạn trẻ thành lập hợp tác xã xây dựng thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn

Vụ vải năm 2021, Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh dự kiến tiêu thụ 300 tấn vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sáng lập Hợp tác xã (HTX) Lục Ngạn Xanh là hai cô gái Hồ Kiều Oanh, Nguyễn Thị Minh Thùy và chàng trai Nguyễn Văn Hảo.

Sinh ra và lớn lên tại Lục Ngạn, Bắc Giang, cả tuổi thơ gắn với cây vải, những bạn trẻ này chia sẻ, ấn tượng nhất với họ, có lẽ là ám ảnh bởi bị mẹ gọi dậy từ 3-4h sáng để bẻ vải. Mùa hè của những cô cậu học trò cũng đúng vào vụ vải chín rộ, nên không có ngày nghỉ như chúng bạn, mà họ phải làm quần quật, người đen thui. Vải hái về được tuối lá, bó thành túm cho vào sọt để mẹ chở đi bán ở các điểm cân vải.

Vải đẹp, bán được hàng, thì giá lại rẻ. Vải xấu, dĩ nhiên bán chậm hơn, mẹ phải đi đến thật muộn mới trở về nhà. Trời nắng, giữa trưa hè phải chen lấn, xô đẩy, tắc đường, vải bán không được giá, nên mẹ vừa mệt, vừa tiếc của. Có lẽ vì thế mà mẹ cũng hay quát mắng lũ trẻ con hơn.

3 thành viên sáng lập HTX Lục Ngạn Xanh là Hồ Kiều Oanh (áo dài đỏ), Nguyễn Thị Minh Thùy (áo dài vàng) và Nguyễn Văn Hảo

Quá hiểu quả vải, hiểu những vất vả của người trồng vải, nên chúng tôi rất thương mẹ, thương trái vải, thương người nông dân, thương mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Hồ Kiều Oanh, một trong 3 đồng sáng lập HTX chia sẻ. Đó cũng là lý do 3 bạn trẻ hợp sức cùng nhau thành lập HTX Lục Ngạn Xanh để xây dựng thương hiệu cho quả vải thiều Lục Ngạn.

Mong muốn tăng giá trị cho vải thiều Lục Ngạn

HTX được thành lập mang theo nhiều mong muốn của các cô gái và chàng trai quê vải. Trước hết, đó là thay đổi quy trình canh tác, trồng vải theo tiêu chí an toàn, để bảo vệ nguồn nước, thổ nhưỡng và khí hậu mà Mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho huyện Lục Ngạn và để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình. Những trái vải được trồng đảm bảo quy trình, chất lượng sẽ giúp người nông dân bán được giá hơn, có thể sống thoải mái và làm chủ trên mảnh đất của mình.

Thứ hai, sản xuất ra những trái vải đảm bảo an toàn, HXT sẽ giữ vững được giá trị quả vải, không bị lên xuống do được mùa mất giá, không bị phụ thuộc quá nhiều vào các điểm cân Trung Quốc.

Thứ ba, với quy trình thu mua, tiêu thụ của HTX, vải sẽ được đóng thùng tại vườn và gửi thẳng đi, bà con không phải trực tiếp chở những sọt vải nặng trĩu đến điểm thu mua, góp phần làm giảm bớt tình trạng tắc đường – một trong những nỗi lo của người dân Lục Ngạn mỗi vụ thu hoạch.

Những vườn vải của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP

Những vườn vải của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP. Vải được trồng trên các quả đồi rộng lớn, cách biệt với bên ngoài bởi những cánh rừng rộng lớn. Những trái vải cho chất lượng mang đặc trưng riêng của vải Lục Ngạn, Bắc Giang như: vị ngọt thơm, vỏ mỏng, hạt nhỏ, quả chín đỏ đẹp thuận tiện cho việc vận chuyển, bảo quản mà không bị ảnh hưởng tới chất lượng cũng như màu sắc của quả.

Năm 2020, sản phẩm đã vượt qua được các tiêu chí kiểm định khắt khe và được xuất khẩu sang Nhật Bản. Vụ thu hoạch vải năm nay, sản lượng dự kiến của HTX đạt khoảng 300 tấn, thời gian thu hoạch từ 10/6 đến 15/7/2021.

Để tăng giá trị cho trái vải, đem sản phẩm an toàn chất lượng giới thiệu thị trường trong nước, các thành viên sáng lập HTX Lục Ngạn Xanh cho biết, họ luôn tuân thủ quy trình thu hái, sơ chế cũng như bảo quản đạt chất lượng cao nhất. Những trái vải được sắp xếp thời gian thu hoạch trong đêm, vì nếu bẻ ban ngày nắng nóng sẽ ảnh hưởng tới quả vải, đảm bảo vải thiều luôn tới mới và kịp giao bán mỗi sáng sớm.

Ngoài vải tươi, HTX Lục Ngạn Xanh còn có thêm sản phẩm sản phẩm vải thiều sấy khô, được lựa chọn cẩn thận từ những quả không bị sâu đầu, sử dụng hệ thống sấy điện công nghệ cao theo tiêu chuẩn HACCP. Sản phẩm làm ra cho chất lượng đồng đều, bảo quản được lâu.

Sản phẩm được gắn tem treo truy xuất nguồn gốc, đựng trong hộp đẹp mắt, lịch sự

Không chỉ quan tâm đầu tư vào chất lượng, Hồ Kiều Oanh cho biết, HTX còn chú trọng đến bao bì, mẫu mã đựng sản phẩm, với hình thức đẹp mắt, phù hợp để sử dụng hay dùng làm quà biếu, tặng. Mỗi túm vải đều có tem treo truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm.

Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng thương và phát triển thêm các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP như mỳ chũ, kẹo lạc, chè lam, trái cây... của địa phương, mang đến thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.

Xây dựng một mô hình hướng tới tăng cường kết nối cung – cầu, tạo thành chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; đồng thời, cung ứng những sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng ra thị trường, đó là những việc các thành viên trong HTX Lục Ngạn Xanh đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn.

Nguồn Phụ Nữ VN