Sức hút từ thị trường bán lẻ, động lực cho tăng trưởng

Theo Nielsen IQ, năm 2025 đang mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho thị trường tiêu dùng Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6/2025, ước đạt 570.200 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3,416 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số này cho thấy sức mua của nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi sau COVID-19 cũng như cho thấy tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Theo phân tích của Công ty phân tích dữ liệu và đo lường toàn cầu Nielsen IQ, năm 2025 đang mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho thị trường tiêu dùng Việt Nam.

Nielsen IQ chỉ ra, một trong những cú hích quan trọng nhất chính là quyết định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%. Đây không chỉ là tin vui cho người tiêu dùng khi chi phí mua sắm giảm mà còn là động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh, mở rộng thị trường. Bức tranh tiêu dùng còn hé lộ một xu hướng đáng chú ý, Việt Nam sẽ có thêm 3,8 triệu người gia nhập tầng lớp tiêu dùng trong năm 2025.

Điều này đồng nghĩa với một thị trường rộng lớn hơn, sức mua bùng nổ hơn và cơ hội khai thác ngày càng hấp dẫn cho các doanh nghiệp bán lẻ. Không dừng lại ở việc kích cầu qua chính sách thuế, Chính phủ Việt Nam còn đang đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử như một cánh cửa mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật Thương mại điện tử sắp tới sẽ tạo nền tảng pháp lý rõ ràng hơn, mở đường cho sự bùng nổ của kinh doanh trực tuyến. Khi hành lang pháp lý trở nên minh bạch, sân chơi này hứa hẹn sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho những doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội.

Sức hút từ thị trường bán lẻ, động lực cho tăng trưởng- Ảnh 1.

Theo Nielsen IQ, năm 2025 đang mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho thị trường tiêu dùng Việt Nam

Mới đây nhất, Central Retail Việt Nam đã vừa khai trương Trung tâm Thương mại GO! Hưng Yên có tổng mức đầu tư 429 tỷ đồng với tổng diện tích 16.000 m2, dự kiến tạo 400 việc làm cho lao động địa phương. Đây là thành viên thứ 43 trong chuỗi trung tâm thương mại của ông lớn bán lẻ đến từ Thái Lan.

“Tại GO! Hưng Yên, chúng tôi mong muốn tạo ra trải nghiệm “một điểm đến” hoàn chỉnh, kết hợp việc cung cấp thực phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, áp dụng chiến lược “luôn rẻ hơn 5% so với giá thấp nhất””, ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết sự có mặt của trung tâm thương mại mới này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan và đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

“Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa về mặt ngoại giao kinh tế, mà còn góp phần vào sự phát triển thương mại dịch vụ, kinh tế - xã hội của tỉnh nhà”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Không chỉ Central Retail Việt Nam, một ông lớn bán lẻ ngoại khác là AEON cũng dự kiến khai trương hàng chục điểm bán mới, đa dạng về mô hình, tại các tỉnh thành...

Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ nội cũng không đứng ngoài cuộc. Saigon Co.op dự kiến mở hơn 150 điểm bán mới trong năm nay, nâng tổng số lên gần 1.000 điểm trên toàn quốc. Còn Bách Hóa Xanh đã đạt 2.180 cửa hàng cuối tháng 5, mở trung bình 2 - 3 điểm mỗi ngày trong 5 tháng đầu năm. WinCommerce, dự kiến nâng lên hơn 4.500 cửa hàng vào cuối năm, trong đó 70% tại nông thôn.

Mới đây, Bộ Công Thương ban hành văn bản giao rõ chỉ tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cho từng tỉnh, thành sau sáp nhập: Hà Nội tăng 18%; Hải Phòng 18%, Quảng Ninh 20%, TP Hồ Chí Minh 18%…

Trước đó vào cuối tháng 4/2025, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết để đạt tăng trưởng GDP 8% thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức khi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch COVID-19.

Theo ông Tuấn, với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái

Nguồn: VTV