Airbnb và thập kỷ dệt nên giấc mơ tỷ đô từ những chiếc đệm hơi và bát ngũ cốc

Vậy là 1 thập niên nữa của thế kỷ 21 đã trôi qua. 10 năm thăng trầm chìm nổi, các thuyền trưởng doanh nhân đã lèo lái con thuyền của mình ra sao trên thương trường đầy sóng gió - ai vững tay chèo, ai từng lạc lối?

Ôn cố tri tân, hãy cùng chúng tôi lần giở lại từng trang hồi ký về các doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong thập niên vừa qua với series "THẬP KỶ THƯƠNG TRƯỜNG" – Những câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chúng tôi hi vọng series này sẽ là một món quà cuối năm ý nghĩa dành tặng đông đảo quý độc giả yêu mến CafeBiz, như slogan của chúng tôi: "Kinh doanh tốt hơn, Cuộc sống đẹp hơn" - "BETTER BUSINESS – BETTER LIFE".

KHỞI ĐẦU TỪ NHỮNG CHIẾC ĐỆM HƠI VÀ NGŨ CỐC

Joe Gebbia là một sinh viên có bằng kép ngành thiết kế đồ họa và thiết kế công nghiệp của Trường thiết kế Rhode Island danh tiếng. Tuy nhiên, cũng như bạn bè đồng trang lứa, anh vẫn phải vật lộn để kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Cuối năm 2007, Joe Gebbia cùng một người bạn là Brian Chesky chuyển tới San Francisco từ New York. Không có việc làm, họ gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà. Thời điểm đó, họ phát hiện ra tất cả các phòng khách sạn trong thành phố đều đã được đặt hết từ trước do hội nghị Thiết kế Công nghiệp địa phương đã thu hút rất nhiều khách tới San Francisco.

Hai người nhận ra cơ hội kinh doanh từ đây. Họ bỏ tiền mua một vài chiếm đệm hơi, đồng thời thiết kế một trang web mang tên "AirBed and Breakfast". Dịch vụ của họ cung cấp cho du khách một nơi để ngủ nghỉ và ăn sáng với ngũ cốc. Họ tính phí 80 USD/đêm. Những vị khách đầu tiên của "AirBed and Breakfast" là 1 người đàn ông Ấn Độ, 1 phụ nữ từ Boston và 1 người đàn ông từ Utah.

Không lâu sau, Nathan Blecharczyk - sinh viên tốt nghiệp Harvard và kiến trúc sư công nghệ thông tin đã tham gia nhóm với tư cách là người đồng sáng lập thứ 3. Tuy nhiên, thử thách lớn mà họ phải đối mặt là trang web chỉ có vỏn vẹn 2 người dùng và 1 trong số đó là Chesky. Sau khi ra mắt, ngoài 3 vị khách trên, họ chỉ nhận thêm được 2 lượt đặt chỗ.

Từ trái qua: Brian Chesky, Joe Gebbia và Nathan Blecharczyk.

3 nhà sáng lập thậm chí còn phải bán ngũ cốc để duy trì hoạt động công ty vì họ đang nợ hàng ngàn USD trong thẻ tín dụng và không có nhà đầu tư giúp đỡ. Một thời gian sau, họ cải tiến trang web và ra mắt một lần nữa vào tháng 8/2008, ngay trước khi diễn ra Hội nghị Quốc gia của Đảng Dân chủ ở Denver.

Hơn 20.000 người tới dự khiến tất cả các khách sạn đều được đặt hết phòng. "AirBed and Breakfast" đã được đặt hơn 600 lần, con số gần sát với mục tiêu phục vụ 1.000 người của các nhà sáng lập.

KHOẢN ĐẦU TƯ ĐẦU TIÊN

Để tiếp tục có tiền kinh doanh, bộ 3 bắt đầu bán ngũ cốc theo chủ đề liên quan tới cuộc bầu cử. Họ kiếm được 30.000 USD từ những loại ngũ cốc "ăn theo" như Obama O's và Cap'n McCains.

Hai loại ngũ cốc mà 3 nhà sáng lập Airbnb từng bán.

Tháng 1/2009, "AirBed and Breakfast" nhận được khoản tiền đầu tư đầu tiên trị giá 20.000 USD từ "vườn ươm" khởi nghiệp Y Combinator. Lúc đó, họ mới chỉ kiếm được 200 USD/tuần từ dịch vụ của mình nên đã quyết định sử dụng số tiền trên để tới New York - thị trường lớn nhất tại Mỹ.

Khi phát hiện hình ảnh của hầu hết các chỗ nghỉ đều không đẹp, họ mua máy ảnh và lần lượt đến từng nhà để chụp những bức ảnh thu hút hơn. Không lâu sau, Y Combinator mời 3 nhà sáng lập tham gia một đợt đào tạo khởi nghiệp trong 3 tháng. Đồng thời, Paul Graham tại Y Combinator cũng cố gắng thuyết phục nhà đầu tư Fred Wilson đầu tư vào "AirBed and Breakfast" nhưng Wilson không đồng ý và có lẽ ông đã bỏ lỡ một khoản đầu tư mang lại giá trị lớn.

Sau khi khảo sát thị trường New York, "AirBed and Breakfast" đã nhận được nhiều lời đề nghị kinh doanh. Trọng tâm được thay đổi từ phục vụ riêng nhu cầu chia sẻ không gian ở chung sang phục vụ nhu cầu tìm kiếm tất cả các loại chỗ ở. Vào tháng 3/2009, công ty đổi tên thành "Airbnb". Thống kê đến thời điểm đó cho thấy công ty đã có 2.500 chỗ lưu trú và gần 10.000 người dùng.

THÀNH CÔNG VANG DỘI

Chỉ trong vòng 1 tháng, họ nhận được khoản đầu tư của Sequoia Capital trị giá 600.000 USD. Đây là thời điểm đột phá dẫn tới giai đoạn phát triển theo cấp số nhân của công ty. Tháng 11/2010, họ huy động thành công 7,2 triệu USD và tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.

Gần 4 năm kể từ khi ý tưởng về chiếc đệm hơi ra đời, năm 2011, Airbnb đã thành công vang dội khi có mặt tại 89 quốc gia và đạt 1 triệu lượt đặt phòng. Cũng trong năm đó, các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót 112 triệu USD cho Airbnb, biến nó trở thành một startup kỳ lân ở Thung lũng Silicon với mức định giá 1 tỷ USD.

Thành công đã đến với bộ ba, giúp họ trở thành tỷ phú USD.

Đến tháng 1/2012, Airbnb đạt cột mốc 5 triệu lượt đặt phòng. Và chỉ 5 tháng sau, con số đó đã tăng gấp đôi lên 10 triệu lượt. Những thành tích tiếp theo của công ty khiến thế giới không khỏi kinh ngạc.

Tháng 8/2014, Airbnb nhận 475 triệu USD đầu tư và đến tháng 6/2015, họ được rót 1,5 tỷ USD tiền đầu tư. Tính đến năm 2018, doanh thu hàng năm của công ty là 3,6 tỷ USD. Tính đến tháng 3 năm nay, tổng số tiền mà họ huy động được là 4,8 tỷ USD qua 10 vòng tài trợ.

Cùng với thành công của công ty, các nhà đồng sáng lập đều trở thành tỷ phú. Cả 3 người đều sở hữu khối tài sản khoảng 4,2 tỷ, đều góp mặt trong The Forbes 400 và là những tỷ phú dưới 40 tuổi trẻ nhất nước Mỹ.

Ngoài kinh doanh, Airbnb cũng rất chú trọng đến vần đề thuế. Công ty đã có hơn 400 thỏa thuận với các chính quyền địa phương để tự động hóa việc thu thuế du lịch, thu về hơn 2 tỷ USD tiền thuế liên quan thông qua những thỏa thuận này.

CÚ ĐÁNH MẠNH TỪ ĐẠI DỊCH COVID-19

Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của Airbnb.

Do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, công ty đã phải đối mặt với khoản lỗ lớn 637 triệu USD, với doanh thu hàng quý giảm 67%. Họ phải sa thải gần 2.000 nhân viên trong tổng số 7.500 người vì sự ảnh hưởng của Covid-19.

Tháng 3/2020, lượng đặt phòng trên Airbnb tại châu Âu đã lao dốc không phanh, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng lúc đó, Mỹ bắt đầu đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế khiến công ty phải mạnh tay đốt nguồn tiền dự trữ.

Đến tháng 7, CEO công ty, Chesky chia sẻ với CNBC: "Chúng tôi mất 12 năm để xây dựng Airbnb và mất gần như tất cả mọi thứ chỉ trong 4 đến 6 tuần. Ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tôi không muốn nói rằng hành trình đã kết thúc nhưng đúng là mô hình mà chúng ta biết đã chết và sẽ không quay trở lại".

Mặc dù vậy, Chesky cho biết ít nhất tại Mỹ, Airbnb đang có dấu hiệu phục hồi khi người dân thành thị đang có xu hướng tìm kiếm nhà cho thuê ở vùng ngoại ô hay khu lân cận để thay thế việc đi du lịch xa như trước đây. Ngoài ra, thay vì thuê vài đêm, họ thậm chí thuê toàn bộ ngôi nhà cả tháng trời.

Từ đây, Chesky nhanh chóng thay đổi chiến lược của Airbnb bằng việc tập trung vào hoạt động lưu trú tại địa phương. Công ty thiết kế lại trang web và ứng dụng để thuật toán hiển thị địa điểm phù hợp hơn với nhu cầu hiện tại của khách hàng.

Hơn 1 tháng sau, Airbnb cho biết họ đã ghi nhận lượng đặt phòng tương đối lớn với những nơi cách chỗ sinh sống của người dùng vài trăm km đổ lại. Đó là tia sáng giúp Airbnb có thêm động lực tiếp tục duy trì hoạt động trong giai đoạn đầy thách thức như hiện nay. Trong quý III, doanh thu của công ty đạt 1,34 tỷ USD, lợi nhuận là 219 triệu USD.

Mới đây, công ty cho biết họ dự kiến phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 12 này. Trong hồ sơ, Airbnb tiết lộ sẽ bán ra 51,9 triệu cổ phiếu với mức giá mục tiêu từ 44 – 50 USD/cổ phiếu, qua đó thu về khoảng 2,6 tỷ USD. Điều này sẽ giúp nâng mức định giá công ty lên 34,8 tỷ USD, cao hơn gần gấp đôi so với con số 18 tỷ USD được đưa ra vào tháng 8.

Như vậy, sau rất nhiều thăng trầm của thương trường, Airbnb vẫn có thể trụ vững đến ngày nay để viết tiếp giấc mơ từ chiếc đệm hơi và bát ngũ cốc buổi sáng cách đây 12 năm. Hãy cùng chúc họ "vững tay chèo" vượt qua sóng gió và đạt thành công rực rỡ trong thương vụ IPO sắp tới.


Nguồn: Báo Tổ Quốc