Thực chất, Amazon đã hiện diện tại Việt Nam từ khá lâu, thông qua nhiều hoạt động phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ doanh nghiệp Việt, nhưng mọi hoạt động khi đó được nhân sự từ nước ngoài hỗ trợ, nay mới có nhân sự làm việc tại chỗ.
Tính đến nay, Amazon đã có trang thương mại điện tử tại 20 quốc gia, tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng Prime cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật. Thông qua Amazon Global Selling, người bán hàng Việt Nam có thể mở rộng kinh doanh và xây dựng thương hiệu tại các thị trường này.
Trước đó, Amazon Global Selling và Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương (Vietrade) đã lựa chọn 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình "Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com", nơi họ được tập huấn kỹ năng, tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ phát triển thương hiệu và sản phẩm trong môi trường thương mại điện tử thế giới.
Kết quả thực tế cho thấy nhiều mặt hàng của Việt Nam đặc biệt các sản phẩm dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ nhận được phản hồi tốt trên Amazon.
Tại một diễn đàn diễn ra hồi tháng 8, ông Trần Xuân Thủy cho biết công ty Amazon Global Selling Việt Nam đã được thành lập và ông chính là giám đốc điều hành. Chi tiết đáng chú ý là ông Thủy chính là "người cũ" của Alibaba với 8 năm làm giám đốc thị trường Việt Nam.
Khi đó ông nói rằng Amazon không cạnh tranh trực diện với Alibaba. Alibaba từng hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng của họ và hầu như mặt hàng nào của cá nhân, doanh nghiệp cũng có thể bán hàng trên Alibaba, kể cả nguyên liệu thô sơ.
Còn trên Amazon, theo ông Thủy, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu sản phẩm do mình sản xuất ra với thương hiệu của mình nên giá trị cao hơn. Do đó đây là 2 mô hình của 2 nền tảng thương mại điện tử có sự hoạt động khác nhau, không cạnh tranh trực diện với nhau
Năm 2018, công việc kinh doanh trên Amazon đã giúp cho 50.000 người bán có doanh thu vượt 500.000 USD/năm, 50% số lượng sản phẩm bán trên Amazon đến từ các doanh nghiệp và người bán trên toàn cầu.
Người bán hàng chỉ cần ngồi tại nhà, tập trung vào chiến lược bán hàng, phát triển sản phẩm, còn lại toàn bộ quy trình giao nhận hàng, đóng gói và vận chuyển xử lý đơn hàng, đều do Amazon thực hiện.
Hiện Amazon có hệ thống cơ sở hạ tầng giao vận lớn nhất toàn cầu với 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn thế giới, tương đương diện tích kho 183 tỉ m2, với 100.000 hệ thống robot và 40 máy bay tham gia trong quá trình giao hàng...
T.Anh (tổng hợp)