Sau khi tốt nghiệp khoa Xây dựng của Trường đại học Nguyễn Tất Thành TP.HCM, Phạm Văn Duy Phương (SN 1993, ngụ ấp Bình Chiến, xã Bình Long, H.Châu Phú, tỉnh An Giang) về làm cho một ngân hàng ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Cũng tại môi trường này, Phương thường tiếp xúc với nhiều khách hàng là bà con nông dân nên từ đó có cơ hội bén duyên với lĩnh vực nông nghiệp.
“Người nông dân khi trồng cây ăn quả thường dùng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón có chất kích thích tăng trưởng để có hiệu quả nhanh. Đa số đều chạy theo xu thế để làm sao có thu hoạch tốt, sản lượng cao, mẫu mã đẹp mà ít quan tâm nhiều đến chất lượng. Điều này đi ngược với tự nhiên vì trái cây lớn nhanh thì chất dinh dưỡng sẽ giảm đi rất nhiều, chưa nói đến việc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, Phương nhận định.
Nhờ hằng ngày trò chuyện, xem cách bà con nông dân sản xuất, trao đổi với các kỹ sư nông nghiệp, Phương nhận ra phân bón hữu cơ sẽ cho ra những sản phẩm nông sản sạch và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Biết là vậy nhưng đến năm 2018, Phương mới có cơ hội thử sức trong lĩnh vực mới thông qua việc trồng giống bắp đỏ. Sau khi đã có kiến thức về nông nghiệp vững chắc, Phương lấy khoảng 1.000m2 phần đất của gia đình để trồng thử. Vất vả chật vật nhưng rồi sau 1 năm Phương cũng thu hoạch được lứa bắp đầu tiên.
1.000m2 đất chỉ trồng được 5.000 cây bắp giống đỏ với chi phí khá cao - Ảnh: Tô Văn
“Khó khăn đầu tiên là nguồn giống của bắp. Đây là giống nhập trực tiếp từ Thái Lan, mỗi người chỉ mua được số lượng hạn chế chứ không thể nào phân bố rộng rãi. Thứ hai là các loại đất có phèn thì giống bắp này không thích nghi được, có khả năng không ra trái. Thứ ba là vấn đề về kỹ thuật và đầu ra.
Vì khi thu hoạch, mình nói giống bắp đỏ này có thể ăn sống được, đảm bảo không hóa chất nhưng mọi người không tin thì làm sao mà giới thiệu để bán? Hơn nữa giá của nó khá cao (khoảng 20.000 - 30.000 đồng/trái), gấp 3 lần so với bắp Mỹ. Nên lứa đầu mình trồng không có lãi. Riêng sau mùa vụ thứ hai thì thành công”, Phương chia sẻ.
Cũng theo Phương, sau mỗi đợt xuống giống chỉ từ 58-62 ngày là thu hoạch, 1 công (1.000m2) bắp trồng được hơn 5.000 cây. Anh nhân viên ngân hàng tận dụng bất cứ thời gian rảnh nào trong ngày để chăm sóc rẫy bắp. Phương cho biết, hiện tại 98% bắp đỏ thu hoạch được anh bỏ mối tại An Giang, Bình Dương, TP.HCM…
Đợt thu hoạch vụ 3 vừa rồi anh kiếm được gần 30 triệu đồng cho 2 tấn bắp. Ước mơ của Phương là được triển khai trồng rộng rãi giống bắp này và muốn người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Một khi thành công, Phương nói sẽ chuyển giao toàn bộ quy trình, kỹ thuật trồng bắp cho các thanh niên trong xã thấy được hướng đi mới và có cơ hội phát triển kinh tế.
Hạt giống của giống bắp đỏ khan hiếm do nhập về từ Thái Lan với số lượng hạn chế - Ảnh: Tô Văn
“Giống bắp này trên mạng thường nói là giống Nữ hoàng hay còn gọi là bắp đỏ đầu tiên trên thế giới có thể ăn sống được. Vì nó có khả năng điều trị bệnh ung thư hay tim mạch. Qua các cuộc khảo sát từ các chuyên gia bên Thái Lan, họ tìm ra các hoạt chất trong bắp đỏ này đó chính là sắc tố đỏ tự nhiên nên khắc chế được bệnh ung thư.
Ngoài ra, giống bắp này rất tốt cho sức khỏe, cải thiện vị giác và có nhiều công dụng tốt cho người tiêu dùng. Hơn nữa, mỗi đợt thu hoạch giống bắp này có thể dùng hết toàn bộ nguyên cây không bỏ bất cứ bộ phận nào. Thân bắp, râu bắp có thể nấu nước mát uống giảm cân, điều trị bệnh gan nhiễm mỡ...”, Phương cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của PV, giống bắp nói trên có tên là Nữ hoàng đỏ, là loại bắp ngọt đầu tiên tại Việt Nam có thể ăn sống trực tiếp sau khi hái mà không cần luộc hoặc nướng. Giống bắp này có đặc điểm là màu đỏ đậm, ăn ngọt, thời gian sinh trưởng ngắn và đặc biệt là rất tốt cho sức khỏe con người.
Loại bắp này không nên đem nấu vì sẽ làm phai bớt màu đỏ và bớt đi nhiều dưỡng chất. Chỉ nên hấp cách thủy 20 phút, nướng lò vi sóng trong 4 phút, nướng thường 15 phút; có thể ăn tươi, làm salad, sinh tố, súp…