Bản chất và xu hướng của kinh tế chia sẻ

Trước khi thành khái niệm vào năm 1995 tại Mỹ, kinh tế chia sẻ đã thực sự tồn tại trước đó rất lâu, có thể là trong thời kỳ kinh tế tự nhiên - phi hàng hóa. Nhưng kinh tế chia sẻ đã rất phổ biến trong thế giới tư bản vào cuối thế kỷ XIX.

Đó là lúc chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn độc quyền. Quá trình cạnh tranh dẫn đến phá sản, sáp nhập đồng thời hình thành những tổ chức kinh tế lớn hơn.

Những tổ chức kinh tế lớn - tùy theo đặc điểm liên kết mà được chia theo nhiều dạng như cartel, syndicate, trust, là các liên kết theo hàng ngang, tức là cùng một ngành, bản chất là cùng nhau thỏa thuận thâu tóm và chia sẻ lợi lợi nhuận.

Nhưng các hình thức liên kết chia sẻ này dễ bị phá vỡ khi tương quan lực lượng giữa các mắt xích thay đổi. Yêu cầu đó là phát sinh các consortium - thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Latin (consors) có nghĩa là “người sở hữu các phương tiện, đồng đội.

Mặc dù là liên kết dọc giữa các ngành không liên quan nhau nhưng có tác dụng chia sẻ với nhau về kỹ thuật, hạ tầng, nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh với đối thủ.

Hình thức đỉnh điểm nhất của các dạng liên kết chia sẻ là conglomerat khổng lồ thâu tóm nhiều công ty, xí nghiệp thuộc những ngành công nghiệp rất khác nhau, đồng thời bao gồm cả vận tải, thương mại, ngân hàng và các dịch vụ khác…

Bản chất các phương thức liên kết chia sẻ này không có mục đích gì khác ngoài việc lấy điểm mạnh của đối tác bù cho điểm yếu của mình và ngược lại, tạo ra sức mạnh vươn vòi khắp thế giới.

Bản chất của kinh tế chia sẻ - thoạt đầu đã mang nhiệm vụ phục tùng các tổ chức kinh tế độc quyền trong thế giới tư bản. Nhờ nắm được địa vị thống trị trong lĩnh vực sản xuất và lưu thông, các tổ chức độc quyền có khả năng định ra giá cả độc quyền. Giá cả độc quyền là giá cả hàng hóa có sự chênh lệch rất lớn so với giá cả sản xuất.

Họ định ra giá cả độc quyền cao hơn giá cả sản xuất đối với những hàng hóa mà họ bán ra và giá cả độc quyền thấp dưới giá cả sản xuất đối với những hàng hóa mà họ mua, trước hết là nguyên liệu. Qua đó họ thu được lợi nhuận độc quyền.

Đã tham gia vào kinh tế thị trường thì tất yếu phải chịu sự tác động của những quy luật khách quan (Hình minh họa)

Ngày nay kinh tế chia sẻ rất dễ nhận thấy, ví dụ Uber chia sẻ chuyến đi, Agoda, Airbnb cung cấp dữ liệu khách sạn, điểm đến nghỉ dưỡng trong ngành du lịch, hoặc các website thông tin, báo chí…

Sự phổ biến của mạng wifi và sự ra đời của các fintech cho phép con người có thể tìm kiếm và sử dụng nhiều nguồn tài nguyên sẵn có; có thể tận dụng được những thứ người khác bỏ đi trong khi mình chưa có.

Hẳn nhiên, đây là một ngành công nghiệp, hay nói cách khác là một nhánh mới của công nghiệp dịch vụ mà bản chất là “cho thuê” - nó có vẻ phù hợp với bối cảnh con người đã khai thác gần cạn kiệt nguồn tài nguyên, thiên nhiên!?

Nhưng xem ra kinh tế chia sẻ mâu thuẫn với sản xuất và sở hữu? Không hoàn toàn như thế. Uber là một dạng kinh tế chia sẻ đặc hữu, nhưng nhà cung cấp không sở hữu bất cứ phương tiện nào. Vậy phương tiện từ đâu ra?

Có nghĩa rằng, tất cả người lao động tham gia vào Uber phải sở hữu phương tiện. Hoặc các hãng taxi truyền thống - họ sở hữu phương tiện và phương tiện đó phải do nhà sản xuất cung cấp.

Dù có chia sẻ đến đâu chăng nữa thì những nhà sản xuất xe hơi vẫn ăn nên làm ra, của cải chung toàn cầu vẫn tăng trưởng đều đặn.

Còn với dạng thức “tận dụng đồ cũ” nó chỉ là một hoạt cảnh rất hữu hạn của kinh tế chia sẻ, không một vật dụng nào tồn tại vĩnh viễn, và khi kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên - bạn có cam phận cả đời sử dụng đồ vật mà người khác bỏ đi?

Kinh tế chia sẻ thật ra chỉ là một phương thức phân phối mới. Phương thức phân phối mới ra đời do phải đáp ứng nhu cầu của các ngành, lĩnh vực mới. Còn bản chất tiêu dùng “mang tính kinh tế” vẫn không thay đổi.

Điều quan trọng nhất là sự xuất hiện và phổ biến của internet. Ví dụ, sự xuất hiện của internet kéo theo sự ra đời của báo điện tử, giúp con người biết đến nhiều nguồn tài nguyên hơn, từ đó các nhà kinh tế nảy sinh ý đồ kiếm tiền từ nhu câu vô tận của khách hàng.

Nói kinh tế chia sẻ, thật ra chỉ đúng về mặt phương pháp, bạn có thể mượn sách thoải mái trong thư viện, và ai cũng thế? Và như thế thì ngành xuất bản, ngành in…phá sản chăng?

Vâng, bạn có thể mua sách (hoặc mượn), lập thư viện để tham gia vào ngành kinh tế chia sẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn góp phần cứu rỗi tương lai nhân loại, giúp thế giới ít sản xuất và tiêu dùng hơn. Ngẫm mà xem!

Dĩ nhiên, đó là sản phẩm của những bộ óc thông minh, không có chổ cho cộng đồng (Hình minh họa)

Chuyên gia xu hướng công nghệ Mary Meeker nói rằng người Mỹ đang chuyển từ “lối sống phụ thuộc vào tài sản” sang “sự tồn tại ít phụ thuộc vào tài sản” nhờ nền kinh tế chia sẻ.

Điều Meeker nói có vẻ giống hơn ở các nước Bắc Âu, đúng như thế! Song, họ không cần nhiều tài sản vì họ đã có quá nhiều tài sản, họ gửi gắm sinh mạng mình cho ngân hàng, trợ cấp lý tưởng của chính phủ, trại dưỡng lão và các khoản bảo hiểm nhân thọ khổng lồ!

Và nếu có thể, hãy đến các nước này đầu tư một tiện ích kinh tế chia sẻ xem thử thành công hay thất bại?

Tóm lại, kinh tế chia sẻ chỉ là phương thức kinh doanh và kiếm tiền mới mẻ của những bộ óc thông minh hơn phần còn lại. Còn đã vận hành trong nền kinh tế thị trường thì không thể nào vượt ra khỏi quy luật “giá trị” cung - cầu”, “cạnh tranh”.

Trương Khắc Trà

Nguồn: Báo DĐDN