Bất an với đồng lương sau dịch
Covid-19 đã cướp đi công việc Linh yêu thích nhất. Hai năm qua, cô và đồng nghiệp lần lượt chuyển việc hoặc về quê, trong khi ngành nghề của họ gần như biến mất.
Thế hệ người trẻ đang trải qua giai đoạn dịch bệnh đầy biến cố. Họ chưa bao giờ phải làm việc trực tuyến lâu đến thế, cũng chưa từng tưởng tượng ngành nghề của mình phải “đóng băng” suốt nửa năm dài.
Quãng thời gian giãn cách xã hội càng khiến nhiều người kiệt sức với những nỗi bất an về cuộc sống, công việc và tài chính. Không ít người cố trấn an rằng hãy dành thời gian ở nhà để nghỉ ngơi, thực hiện những dự định trước đây từng bỏ lỡ.
Tuy nhiên, càng rời xa công việc, họ càng luẩn quẩn trong những câu hỏi tự đặt cho chính mình về tương lai.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê về tác động của đại dịch đến tình hình lao động công bố ngày 12/10, giãn cách xã hội kéo dài đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Số lao động trong hai ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy.
Sự chuyển dịch này chủ yếu do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.
Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức. Giờ đây, người lao động khó có thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.
Zing đã trò chuyện cùng 5 bạn trẻ làm việc trong những lĩnh vực khác nhau để lắng nghe chia sẻ của mỗi người về sự tác động của đại dịch Covid-19 lên tâm lý và quan điểm sống.
Mắc kẹt
Nếu không có đại dịch, bạn nghĩ mình đang làm gì?
Nguyễn Giáng (24 tuổi, tiếp viên hàng không): Nếu Covid-19 không xuất hiện, có lẽ giờ đây tôi đã có thể thuận lợi bay các chặng đường từ Việt Nam sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, thỏa sức mua sắm.
Dương Quỳnh Lan (24 tuổi, nhân viên truyền thông): Khi đó, tôi chắc chắn vẫn là BTV tại một trang báo về thể thao. Tôi khá yêu thích công việc này bởi phù hợp với ngành học cũng như sở thích của mình.
Quỳnh Lan chuyển đổi công việc mới gần nhà, mong muốn dành thêm thời gian cho gia đình.
Huy Toàn (27 tuổi, huấn luyện viên, trợ lý, phiên dịch viên cho một đội bóng V League): Tôi vẫn sẽ là một HLV thể thao. Đây là công việc tôi yêu thích và có thể làm với năng lượng tốt nhất. Rời bỏ công việc này, tôi không biết phải làm gì khác.
Trần Mỹ Linh (26 tuổi, hướng dẫn viên du lịch): Chắc tôi đang ở đảo Phú Quốc và làm hướng dẫn viên du lịch, công việc tôi đã gắn bó từ năm 2018. Tôi cũng tiếp tục kế hoạch 1-2 năm đổi nơi làm việc một lần hoặc có thể thực hiện một chuyến đi vừa kết hợp du lịch lẫn làm việc ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia hoặc Philippines.
Đó là mơ ước tôi đã luôn ấp ủ từ lúc tốt nghiệp đại học và đi làm cho đến trước khi đại dịch bùng phát.
Nguyễn Thanh Phương (33 tuổi, kinh doanh quán ăn): Tôi vẫn là chủ của một quán ăn chuyên phục vụ các món nhậu, đồng thời là nhân viên văn phòng toàn thời gian.
Covid-19 đã tác động như thế nào đến công việc, nghề nghiệp của bạn?
Nguyễn Giáng: Trở thành tiếp viên hàng không bay quốc tế luôn là ước mơ của tôi từ rất lâu, nhưng dịch bệnh đã khiến tôi phải tạm gác hy vọng của mình. Tôi đã phải ở nhà trong nhiều tháng, mất hầu hết thu nhập và mới quay trở lại công việc khoảng một tháng qua.
Tôi hiểu trường hợp của mình là vấn đề tất yếu của ngành hàng không nói chung và tất cả tiếp viên hàng không nói riêng. Chưa bao giờ tôi thấy bất an với đồng lương mình nhận mỗi tháng đến thế.
Dương Quỳnh Lan: Khi dịch bùng phát, các giải bóng trong nước phải tạm hoãn, tôi không còn nhiều việc để làm và bị giảm lương khá sâu.
Tôi đã xin nghỉ việc tại tòa soạn báo và chuyển sang một công ty truyền thông, mong muốn có được công việc ổn định hơn. Thay vì làm việc với đam mê, tôi cần thu nhập để đảm bảo mức sống.
Huy Toàn: Khi đợt dịch mới vừa bùng phát, các giải đấu bóng đã bị hoãn ngay lập tức. Tôi phải nghỉ việc ở nhà, chấp nhận tình trạng giảm lương và không có thưởng.
Với đặc thù công việc liên quan đến bóng đá, tôi khó có thể làm một công việc khác. Suốt 3 tháng giãn cách xã hội ở Hà Nội, tôi “mắc kẹt” ở nhà, tâm trạng rất bí bách, chỉ có thể giết thời gian nhờ các trò chơi điện tử.
Huy Toàn tạm chia tay sân bóng nhiều tháng do giãn cách xã hội.
Mỹ Linh: Covid-19 đã cướp đi công việc mà tôi yêu thích nhất. Du lịch là một trong những ngành chịu tác động đầu tiên và lớn nhất bởi đại dịch. Những ngày đầu đại dịch ập đến, thu nhập của tôi bị cắt giảm phân nửa. Tôi vẫn gắng gượng bám trụ với hy vọng cơn ác mộng mang tên Covid-19 sớm qua đi.
Nhưng dần dà, tôi nhận ra đó chỉ là khởi đầu. Không chỉ bị thu hẹp, ngành nghề của tôi còn đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Công ty điêu đứng rồi đóng cửa. Nhân viên thất nghiệp rồi cũng lần lượt xoay xở chuyển nghề. Nhiều đồng nghiệp của tôi không tìm được việc làm, phải trở về quê phụ giúp cha mẹ làm nông.
Thanh Phương: Năm 2016, tôi và một người bạn chung vốn mở quán ăn. Việc kinh doanh khá tốt cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát. Chúng tôi gắng gượng được qua 3 đợt dịch, song đến đợt dịch mới đây nhất, chúng tôi đã phải trả mặt bằng sau gần nửa năm đóng cửa.
Trước đó, để trả được tiền mặt bằng, duy trì hoạt động kinh doanh online, chúng tôi đã phải cắt giảm nhân viên, bán xe riêng, vay mượn tiền của người quen. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài khiến chúng tôi không thể cầm cự thêm. Quán ăn chính thức đóng cửa sau 5 năm hoạt động.
Bất an với tương lai
Đại dịch có khiến bạn thay đổi suy nghĩ về con đường sự nghiệp mình lựa chọn?
Nguyễn Giáng: Trước đây, tôi nghĩ tiếp viên hàng không là một công việc ổn định. Đại dịch đã khiến tôi nhận ra ngành này cũng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng rất nặng nề.
Suốt những tháng ở nhà, tôi phải cố gắng tìm kiếm thêm một công việc thời vụ để làm, chờ đợi dịch bệnh qua đi. Kiếm được thu nhập trong thời điểm này quá khó khăn.
Nguyễn Giáng vẫn muốn làm tiếp viên hàng không sau dịch.
Dương Quỳnh Lan: Trên thực tế, dịch bệnh không khiến tôi thay đổi suy nghĩ quá nhiều về công việc và sự nghiệp. Nhưng nó làm tôi nhận ra rằng sức khỏe và tính mạng con người rất mong manh.
Tôi đã quyết định xin nghỉ việc tại nơi làm cũ, chuyển đến một công ty gần nhà hơn. Thú thật, tôi có cảm giác sợ hãi khi phải di chuyển xa trên đường. Nỗi sợ càng nhân lên khi dịch bệnh bùng phát.
Huy Toàn: Dịch bệnh khiến tôi lo lắng rất nhiều về sự nghiệp của mình. Bóng đá không phải công việc có thể làm ở nhà. Tôi hoang mang, không biết khi nào mới có thể ra sân cỏ. Tôi chưa từng nghĩ ngành thể thao lại có giai đoạn khó khăn đến vậy.
Mỗi ngày, tôi vẫn theo dõi các trận đấu bóng quốc tế qua tivi để thỏa nỗi nhớ trái bóng tròn. Tôi cố gắng nghĩ rằng giãn cách xã hội chính là thời gian để mình tạm nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng sau nhiều năm đi làm. Tuy vậy, tôi vẫn không thể xóa bỏ hoàn toàn sự căng thẳng, bất an về tương lai.
Mỹ Linh: Tôi bước vào nghề hướng dẫn viên du lịch với bao nhiêu đam mê, năng lượng thì lúc ra đi cũng có chừng đó nỗi thất vọng, cảm giác thất bại. 26 tuổi, tôi biết mình còn nhiều cơ hội để làm lại, nhưng không còn cho phép bản thân được mơ mộng quá nhiều vào tương lai.
Thời gian gần đây, tôi suy nghĩ nhiều đến điều bố mẹ vẫn thường căn dặn mình: Nghề gì cũng được, miễn là ổn định.
Trước đây, tôi tự tin bỏ ngoài tai điều đó. Tôi muốn tuổi trẻ được bay nhảy, được nay đây mai đó. Thế nhưng, khi công việc của mình bị đại dịch “quật ngã” trước tiên, dù không hoàn toàn đồng tình, tôi dần hiểu được suy nghĩ của bố mẹ.
Thanh Phương: Sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế, tôi tìm kiếm vị trí ổn định theo định hướng của gia đình. Công việc ngày 8 tiếng tại văn phòng chưa bao giờ là mơ ước của tôi nên sau vài năm đi làm, tôi đã góp vốn kinh doanh cùng bạn bè.
Khoảng một năm sau đó, tôi muốn nghỉ việc văn phòng để tập trung phát triển kinh doanh quán ăn. Tuy nhiên, gia đình không ủng hộ kế hoạch này. Vì không thuyết phục được mọi người nên tôi vẫn phải làm hai công việc cùng lúc.
Giờ đây, khi quán ăn phải đóng cửa vì dịch bệnh, thu nhập khá ổn định từ công việc bàn giấy giúp tôi có thể lo cho gia đình ở mức cơ bản. Có lẽ đại dịch khiến chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là cơm áo gạo tiền vẫn quan trọng hơn những thứ như đam mê, sở thích.
Giờ đây nếu được chọn lại công việc, bạn sẽ ưu tiên cho điều gì?
Nguyễn Giáng: Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ lựa chọn trở thành một tiếp viên hàng không, nhưng sẽ nộp đơn xin việc sớm hơn để kịp trải nghiệm nhiều chặng bay hơn trước khi đại dịch ập đến.
Sau đại dịch, tôi vẫn muốn làm công việc mình yêu thích. Tuy nhiên, tôi hy vọng mức thu nhập có thể nhanh chóng khôi phục lại như trước đây.
Dương Quỳnh Lan: Giờ đây, tôi ưu tiên lựa chọn một công việc ổn định, thời gian linh hoạt để có thể ở bên gia đình nhiều hơn. Đại dịch ập đến với rất nhiều ca bệnh khiến tôi nghĩ rằng mỗi con người cần giữ gìn sức khỏe, không nên “bán máu” để kiếm tiền.
Hiện tại, tôi chỉ muốn một công việc có thu nhập vừa đủ. Tôi cần sức khỏe cho gia đình và bản thân hơn tất cả.
Huy Toàn vẫn sẽ lựa chọn đam mê sân bóng của mình.
Huy Toàn: Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn ưu tiên đam mê trái bóng lên hàng đầu. Tôi quan niệm rằng nếu không yêu thích công việc của mình thì sẽ không thể thành công.
Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng sẽ tìm kiếm thêm một công việc ngoài giờ, vừa giúp tăng thu nhập, vừa là phương án dự phòng nếu có thêm bất trắc xảy đến.
Mỹ Linh: Vài ngày trước, tôi nhận được cuộc gọi từ phía công ty du lịch và dịch vụ lữ hành. Họ nói tôi có thể đi làm lại. Nhưng tôi vẫn đang cân nhắc.
Tôi mừng vì ngành nghề yêu thích của mình đã trở lại sau khoảng thời gian dài “đóng băng”, song trước mắt vẫn chưa thể nói trước điều gì.
Giờ đây, ưu tiên hàng đầu của tôi là kiếm đủ tiền lo cho cuộc sống của mình và học thêm một số kỹ năng để mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
Thanh Phương: Giờ đây, nếu được lựa chọn, tôi sẽ cố gắng học nhiều thứ, làm nhiều công việc cùng lúc. Đừng bao giờ quá tự tin hay phụ thuộc vào một nghề nghiệp, một nguồn thu nào đó. Không điều gì là chắc chắn, bạn sẽ thêm vững vàng nếu biết nhiều thứ.
Nguồn: zingnews.vn