Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn. Ảnh: Thành Nguyễn.
Phân khúc bình dân bùng nổ
Theo vị đại diện Savills Việt Nam, hiện các khách sạn 3 sao đến 4 sao là phân khúc khá quen thuộc với du khách nội địa tại hầu hết các quốc gia, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
"Trong thời kỳ hoàng kim của ngành du lịch nội địa tại Việt Nam như hiện nay, có thể thấy các khách sạn thuộc phân khúc này nhìn chung đang hoạt động rất tốt", ông Troy Griffiths cho biết.
Cơ sở hạ tầng được phát triển nhanh chóng trên khắp cả nước, một số thành phố nhỏ hơn của Việt Nam nay cũng có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế. Việc này làm tăng tính cạnh tranh cũng như sức chứa của du lịch địa phương, vì vậy chúng tôi tin rằng trong ngành du lịch và đặc biệt là phân khúc bình dân đang đứng trước nhiều cơ hội để nắm bắt lợi thế từ sự bùng nổ của du lịch trong tương lai ngắn hạn và trung hạn.
Tuy nhiên, nhìn nhận về mức độ cạnh tranh của phân khúc bình dân, đại diện Savills cũng cho rằng đây là phân khúc chịu áp lực cạnh tranh lớn bởi chi phí đầu tư thấp, nhiều nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận.
Lý giải về nhận định này, ông Troy Griffiths cho rằng, việc du lịch phát triển bùng nổ trong thời gian gần đây nhìn chung là một tin tốt, tuy vậy đã dẫn đến tăng trưởng nhanh và chủ yếu tập trung vào các phân khúc giá trị thấp, kéo theo một số lượng dịch vụ kèm theo nhỏ.
"Du lịch có đóng góp đáng trân trọng vào GDP, bởi đây là một lĩnh vực phát triển bền vững và có sự lưu tâm đặc biệt cho môi trường. Tuy vậy, du lịch cũng bao gồm nhiều nhân lực và dịch vụ khác, từ đó có ảnh hưởng đến một bộ phân dân số không nhỏ. Vấn đề nằm ở chỗ, du lịch Việt Nam đã thu hút thành công khách du lịch bình dân", ông Troy Griffiths nói.
Cấp số nhân GDP của du lịch Việt Nam - có thể được hiểu là tác động lan tỏa của ngành du lịch là 1,6 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới 2019) trong khi con số này tại các nước Đông Nam Á khác là 2,4 và trung bình toàn cầu là 3,3.
“Để có được lợi nhuận cao hơn và thu hút một nguồn cầu lớn hơn với các dịch vụ kèm theo, phát triển du lịch cần được dịch chuyển lên trên chuỗi giá trị. Để đạt được điều này, cần có sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn lực và cũng cần có các đối tác hợp tác có năng lực và kinh nghiệm”, đại diện Savills chỉ rõ.
Và yêu cầu công nghệ hóa
Theo ông Troy Griffiths, ngành khách sạn nghỉ dưỡng đã và đang chịu áp lực từ việc vận hành các mô hình kinh doanh lỗi thời, do đó buộc phải thích nghi và thay đổi nhiều hơn so với các loại hình bất động sản khác.
Trong kỷ nguyên của công nghệ bất động sản (proptech) và công nghiệp 4.0, các trang đặt phòng, truyền miệng và mạng xã hội có thể làm gián đoạn và mang lại nhiều lợi ích cho ngành khách sạn. Trong khi AirBnB đã hoàn toàn thay đổi cuộc chơi và chiếm được thị phần, thì các nền tảng như Booking hay Agoda và các trang khác đang cho phép nhiều người dùng hơn tiếp cận với các khách sạn.
Báo cáo mới đây của Travelport Digital – một nền tảng tương tác di động dành cho các thương hiệu du lịch cũng chỉ ra rằng, 35% tổng số người dùng đã tải ứng dụng về máy điện thoại để tìm kiếm các chuyến bay/khách sạn, 27% tải ứng dụng về máy để đặt các chuyến bay/khách sạn, và 19% bật thông báo từ các ứng dụng du lịch để nhận tin tức.
Do đó, đòi hỏi ứng dụng công nghệ vào bất động sản du lịch đang là một yêu cầu cấp bách với các chủ đầu tư.