5 điều không phải ai cũng biết về Bezos
Chi tiêu hào phóng
Theo tờ Washington Post, đầu năm 2017, Bezos trả 23 triệu USD để mua một bảo tàng vải sợi cũ tại Washington DC và cải tạo thành ngôi nhà gia đình, láng giềng của các tên tuổi lớn như cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, vợ chồng Jared Kushner-Ivanka Trump, ái nữ của Tổng thống Donald Trump.
Năm 2013, Bezos mua tờ The Washington Post bằng tiền riêng 250 triệu USD. Gia đình Bezos còn có nhà ở Seattle và Beverly Hills. Nhưng đầu tư địa ốc của Bezos chẳng nhằm nhò gì so với đầu tư vào khoa học. Ông cho biết bán 1 tỷ USD cổ phiếu mỗi năm để tăng vốn cho dự án kinh doanh du lịch không gian Blue Origin.
Nhà từ thiện bắt đầu bằng… chuối!
Một hôm Bezos nảy ra ý tưởng phát chuối miễn phí cho những người qua đường tại thành phố Seattle (bang Washington), nơi đặt trụ sở chính của Amazon. Có khoảng 4.500 người được thụ hưởng mỗi ngày. Nhưng hàng triệu USD gia đình ông bỏ ra cho từ thiện không đủ để dập tắt những chỉ trích là “quá ít ỏi” so với các tỉ phú khác như Bill Gates, Mark Zuckerberg và 169 người giàu khác. Họ hứa đóng góp phân nửa sản nghiệp cho các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận. Nay, cả hai vợ chồng Bezos đã cùng lên con tàu với các tỷ phú khác.
Anh của Bezos là một anh hùng thực sự
Đó là Mark Bezos, người từ nhân viên quảng cáo chuyển sang làm việc cho tổ chức chống nghèo Robin Hood có trụ sở tại New York. Ông còn là tình nguyện viên cứu hỏa. Năm 2011, trên trang TED Talk, Mark lần đầu tiên nói về công việc này. Ông kể lại là có một phụ nữ năn nỉ ông cứu con chó đi lạc trong đám cháy nhưng không thành công mà chỉ cứu được… đôi giày! “Tuy nhiên, tôi vẫn nhận được lời cảm ơn bằng cả trái tim”, ông nói.
Trong trang phục người ngoài trái đất Trekkie
Một trong những lợi thế của người siêu giàu là họ có dư tiền để thỏa mãn trí tưởng tượng của mình. Trong trường hợp Bezos là điện ảnh. Từng hâm mộ từ lâu loạt phim khoa học giả tưởng liên hành tinh Star Trek, ông đã vận động được một vai nhỏ trong tập mới của nó. Nhưng khán giả hầu như không thể thấy Bezos trong phim vì ông hóa trang trong lớp mặt nạ nhăn nhúm và mặc trang phục người ngoài hành tinh Trekkie.
Thích mơ mộng khi nhìn lên bầu trời xanh
Bezos thuộc số người có tầm nhìn nghiêm túc về tương lai trong không gian. Từ lúc bé ông đã nghĩ về khách sạn không gian, công viên giải trí không gian và các thành phố quay quanh trái đất. Nhưng giấc mơ của Bezos không dừng ở đó mà ngày càng lớn hơn. Ông có những đôi giày mang logo công ty không gian Blue Origin do mình sáng lập.
“Tôi muốn một ngày nào đó sẽ có hàng triệu người sống và làm việc trong không gian. Tôi muốn có một nền văn minh không gian” - Bezos bộc bạch trong bài phát biểu tốt nghiệp trung học. Ông tiên đoán trong vài trăm năm tới con người sẽ đưa ngành công nghiệp nặng ra khỏi trái đất, khai mỏ và tạo ra năng lượng trong không gian để trái đất là “nơi có môi trường an toàn để sống và vui chơi”. Dĩ nhiên, Bezos cũng sẽ thuộc số dân thường đầu tiên vào không gian khi dự án Blue Origin của ông hoàn tất.
Amazon sẽ cạnh tranh với những "người khổng lồ"
Thiên tài của Bezos là ở chỗ ông sớm nhận thấy tiềm năng của Internet trong kinh doanh bán lẻ trước những người khác. Amazon là giải pháp thay thế cho cách bán hàng truyền thống. Trưng bày giới thiệu hàng trên mạng thay cho các cửa hàng “vôi vữa”. Người mua ngồi trước màn hình thay vì đến tận nơi. Sáng kiến đã được chuyển thành tiền, rất nhiều tiền. Năm 1997, Amazon ra thị trường chứng khoán và huy động được 54 triệu USD, biến Bezos thành tỉ phú USD ở tuổi 35. Năm ngoái, Amazon trở thành công ty lớn thứ 3 thế giới đạt giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD trên sàn chứng khoán, chỉ thua có Microsoft.
Thành công của Amazon được thể hiện trong doanh thu với dự báo năm 2019 sẽ phá kỷ lục 275,06 tỷ USD và có khả năng vượt qua 320 tỷ USD vào cuối năm 2020. Sự thành công của Bezos được đẩy nhanh hơn bằng sự mở rộng bán lẻ toàn cầu và lấn sân sang những lĩnh vực kinh doanh khác. Các dịch vụ video trực tuyến, công cụ thông minh, các dịch vụ đám mây (cloud service) và những “thâu tóm” mới (ví dụ vụ mua lại Whole Foods Market) đã cho phép Amazon cạnh tranh trực tiếp với những người khổng lồ công nghệ Facebook, Apple, Google và Netflix.
Những cột mốc đáng chú ý
Năm 1994: Bỏ công ty tài chính Wall Street để khởi nghiệp với Amazon. Jeff Bezos gặp vợ MacKenzie, nữ tiểu thuyết gia, khi cùng làm việc chung tại quĩ phòng hộ DE Shaw ở New York. Họ có 4 con trước khi ly hôn.
Năm 1999: Được tờ Time chọn là “Nhân vật của năm” (Person of the Year) với danh hiệu “Vua thương mại điện tử” (King of Cybercommerce).
Năm 2000: Thành lập công ty tàu không gian Blue Origin.
Năm 2013: Mua lại tờ The Washington Post; phát hành tiểu sử do Brad Stone chấp bút có tựa The Everything Store: Jeff Bezos and the Age of Amazon.
Năm 2015: Tờ New York Times xuất bản bài điều tra nói về điều kiện làm việc tồi tệ tại các nhà kho Amazon. Bezos phản hồi là ông “không hề biết có chuyện như thế!”.
Năm 2015: Amazon có vẻ đã đi hết chu kỳ phát triển khi thử quay trở lại truyền thống bằng cửa hàng sách “vôi vữa” đầu tiên của nó tại Seattle.
Năm 2016: Trở thành đối thủ của Tổng thống Trump khi lời qua tiếng lại về tờ Washington Post và chính sách thuế. Trump cột chặt quan hệ của Bezos với tờ báo nhưng Washington Post luôn khẳng định mình là tờ báo độc lập.
Năm 2017. Bộ phim Manchester By The Sea do Amazon Studios sản xuất đoạt 2 Oscar, trong đó có vai chính xuất sắc nhất cho Casey Affleck và The Salesman đoạt Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.