Biến động chính trị khiến kinh tế Anh rơi vào khủng hoảng

Lạm phát ở Anh đã tăng kỷ lục trong vòng 40 năm, đạt mức 9,1% vào tháng Năm - cao nhất trong G7; tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ tăng lên mức trên 11% vào cuối năm nay bất chấp các đợt tăng lãi suất.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 7/7/2022 thông báo từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, mở đường cho việc bầu chọn một thủ tướng mới, sau khi hàng chục bộ trưởng rời khỏi chính phủ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson cuối cùng đã buộc phải từ chức vào ngày 7/7 sau khi hơn 50 thành viên đảng Bảo thủ rời chính phủ để phản đối sự lãnh đạo của ông.

Uy tín của ông Johnson bên ngoài quốc hội cũng giảm sút nghiêm trọng trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ và lạm phát gia tăng tại Anh; cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến hàng triệu người có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo trong mùa đông năm nay; và khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại tồi tệ với Liên minh châu Âu (EU).

Chứng khoán Anh đã tăng điểm trước thông tin ông Johnson từ chức, và đồng bảng Anh tăng 0,75% lên mức 1,2 USD, một sự phục hồi nhẹ từ mức thấp nhất trong vòng hai năm.

Tuy nhiên, trưởng nhóm phân tích thị trường tại công ty môi giới XTB, Walid Koudmani, lưu ý đồng bảng vẫn yếu nghiêm trọng do tình trạng yếu kém của kinh tế Anh, vốn đang hoạt động kém hiệu quả so với các nước khác, và có khả năng rơi vào suy thoái. Vì vậy, người kế nhiệm ông Johnson sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức lớn về kinh tế và tài chính.

Lạm phát cao nhất trong nhóm G7

Tất cả các nền kinh tế lớn đều đang chịu hậu quả kéo dài của đại dịch đối với chuỗi cung ứng, cũng như cú sốc về giá năng lượng và lương thực do cuộc xung đột ở Ukraine gây nên.

Nhưng tình trạng này tồi tệ hơn ở Anh so với hầu hết các nước khác. Lạm phát tăng kỷ lục trong vòng 40 năm, đạt mức 9,1% vào tháng Năm, cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ tăng lên mức trên 11% vào cuối năm nay bất chấp các đợt tăng lãi suất.

Các tác động gián tiếp của Brexit (Anh rời EU), vốn được coi là thành tựu tiêu biểu của ông Johnson, khiến tình trạng thiếu lao động càng trở nên trầm trọng, đồng thời làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Chi phí nhập khẩu cũng tăng cao hơn do đồng bảng giảm giá mạnh trong năm nay.

Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng đã tạo nên cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các hộ gia đình thu nhập thấp phải lựa chọn giữa "sưởi ấm và thực phẩm," và các nhà vận động chống đói nghèo đang yêu cầu chính phủ hỗ trợ nhiều hơn.

Lạm phát ở Anh đã tăng kỷ lục trong vòng 40 năm, đạt mức 9,1% vào tháng 5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ của ông Johnson cam kết hỗ trợ 400 bảng Anh (502 USD) cho mỗi gia đình nhằm giúp đỡ hàng triệu người đang gặp khó khăn trong việc chi trả hóa đơn năng lượng. Vào tháng trước, chính phủ cũng công bố khoản thuế trị giá 5 tỷ bảng (6,3 tỷ USD) đối với lợi nhuận thu được của các công ty dầu khí.

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn không đáng kể. Theo Ngân hàng trung ương Anh, thu nhập khả dụng có khả năng chứng kiến đợt giảm mạnh lần thứ hai kể từ khi các số liệu được lưu trữ vào năm 1964, do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Và các hóa đơn này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm của mỗi hộ gia đình có thể tăng khoảng 50% lên tới 3.000 bảng (3.600 USD) vào mùa Đông năm nay khi mức giá trần năng lượng các nhà cung cấp được phép áp dụng cho khách hàng sẽ được điều chỉnh vào mùa Thu. Trước đó, vào tháng Tư, cơ quan quản lý đã tăng mức giá trần năng lượng thêm 54%.

Mức sống của các hộ gia đình ở Anh đang suy giảm liên tục. Theo quỹ Resolution Foundation, mức lương điển hình hiện nay không cao hơn so với mức trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nhà kinh tế trưởng tại Resolution Foundation, Adam Corlett, cho biết mức sống thấp kỷ lục gần đây tại Anh, đặc biệt là tình trạng thu nhập của các hộ gia đình nghèo hoàn toàn không tăng trong 20 năm qua, phải được đảo ngược trong thập kỷ tới.

Nguy cơ tăng trưởng thấp nhất

Nếu không đạt mức tăng trưởng mạnh hơn, tình trạng lương giảm sẽ không thể đảo ngược. Và có rất ít triển vọng điều này sẽ sớm xảy ra. Trên khắp thế giới, sự phục hồi mạnh mẽ trước đây đang suy giảm, song Anh ở trong tình trạng đặc biệt tồi tệ, với một cuộc suy thoái đang rình rập.

Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới ngừng tăng trưởng vào tháng Hai và bắt đầu suy giảm vào tháng Ba. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, đà suy giảm đã tăng tốc vào tháng Tư, khi GDP ước tính đã giảm 0,3%, với cả ba lĩnh vực chính của nền kinh tế là dịch vụ, chế tạo và xây dựng đều giảm. Doanh số bán lẻ trong tháng Năm đã giảm trong hai tháng liên tiếp.

Và có nhiều tin xấu khác. Trong một báo cáo về ổn định tài chính được công bố vào đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Anh cho biết triển vọng kinh tế Anh đã "xấu đi đáng kể."

Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris cảnh báo nền kinh tế Anh đang trì trệ, với dự báo tăng trưởng GDP bằng 0 trong năm 2023. Đây sẽ là mức thấp nhất trong nhóm G7 vào năm tới.
Tăng trưởng yếu là tin xấu đối với nợ chính phủ, hiện chiếm tới hơn 90% GDP, do thực hiện các biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với đại dịch và cuộc khủng hoảng năng lượng.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài khóa của chính phủ Anh, cho biết với những áp lực từ dân số già, nợ công của Anh "không bền vững và dự kiến sẽ vượt 250% GDP trong dài hạn." Điều này đồng nghĩa có rất ít khả năng tân thủ tướng Anh sẽ thực hiện các cam kết cắt giảm thuế hoặc chi tiêu lớn.

OBR nhận định điều này làm tăng triển vọng đầy thách thức cho chính phủ tương lai khi điều hành nền kinh tế và tài chính công của Anh trong những năm tới.

Brexit không như mong đợi

Ông Johnson đã thành công trong việc hoàn thành Brexit, điều mà người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May, đã thất bại. Nhưng việc cắt đứt với EU đã không mang lại thúc đẩy thương mại mà ông và những người ủng hộ Brexit khác đã hứa hẹn. OBR hồi tháng Ba cho biết Anh đã bỏ lỡ phần lớn sự phục hồi trong thương mại toàn cầu kể từ sau đại dịch.

Thâm hụt cán cân thanh toán của Anh đã tăng vọt lên mức 8,3% GDP trong quý 1 năm 2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đối với nhiều doanh nghiệp, thỏa thuận thương mại miễn thuế mà ông Johnson ký với các nhà lãnh đạo EU cách đây chưa đầy hai năm đã gây nên sự gia tăng đáng kể về thủ tục giấy tờ hải quan, khiến họ khó bán hàng sang thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình và làm tăng chi phí nhập khẩu.

Trong khi đó, các thỏa thuận đã ký với các quốc gia khác hầu như không mang lại thay đổi đáng kể. OBR cho biết mặc dù thương mại bổ sung với các nước khác có thể bù đắp phần nào sự sụt giảm thương mại với EU, song không có thỏa thuận nào được ký kết cho đến nay có quy mô đủ để tác động đáng kể đến dự báo của cơ quan này.

Dữ liệu chính thức được công bố vào tuần trước cho thấy, thâm hụt cán cân thanh toán của Anh đã tăng vọt lên mức 8,3% GDP trong quý 1 năm 2022, đồng nghĩa với việc nước này đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư nước ngoài để bù đắp mức thâm hụt do nhập khẩu cao hơn nhiều so với xuất khẩu.

Trong bối cảnh này, đồng bảng Anh trong năm nay đã giảm giá, và cũng không được hỗ trợ bởi cảnh báo của ông Johnson về việc xóa bỏ một phần của thỏa thuận Brexit đã ký với EU. Điều này đã đầu độc mối quan hệ với các nhà lãnh đạo EU, và khiến tranh luận giữa hai bên về sự trả đũa có thể leo thang thành một cuộc chiến thương mại có khả năng gây tổn hại lớn cho Anh.

Chuyên gia Kallum Pickering tại ngân hàng Berenberg cho rằng dựa vào danh sách những người kế nhiệm tiềm năng của ông Johnson, có khả năng Anh sẽ nghiêng về quan hệ ít căng thẳng hơn với EU./.

Nguồn: vietnamplus.vn