Trứng, nửa củ hành tây, sốt và cơm. Đó là tất cả những gì Kim Jae-hoon (20 tuổi, Hàn Quốc) có thể chuẩn bị cho bữa trưa.
“Tôi có thể tiết kiệm nhiều tiền nếu tự nấu ăn. Tôi chỉ phải tốn 0,42 USD cho mỗi bữa. Số tiền còn lại dành để chi trả 212 USD tiền thuê nhà mỗi tháng cho căn phòng vỏn vẹn 6 m2”, Kim nói với Reuters.
“Tôi muốn tụ tập bạn bè và hẹn hò. Nhưng nếu giờ dành thời gian cho việc đó, tôi không thể bắt kịp người khác”, anh thừa nhận.
Không may mắn bằng Kim, một bộ phận lớn thanh niên Hàn Quốc đang trong tình trạng thất nghiệp thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa, không dám tụ tập bạn bè, theo nghiên cứu mới nhất của Hội đồng Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc.
Đây cũng là tình trạng chung ngay cả với những người có công việc nhưng vẫn chật vật, xoay xở mỗi ngày để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống.
Khảo sát thực hiện trên 1.000 người ở cả hai giới trong độ tuổi từ 19 đến 34. Kết quả, 67% thừa nhận họ buộc phải “từ chối gặp mặt mọi người vì đang trong hoàn cảnh ví tiền trống rỗng”.
49,5% số người tham gia khảo sát cho hay họ phải ăn uống dè xẻn, thậm chí nhịn ăn vì không đủ tiền. 31,2% không thể xoay xở chuyện mua những nhu yếu phẩm hàng ngày; 30,8% bị việc thanh toán các hóa đơn tiện ích khác nhau mỗi tháng đè nặng.
Ở Hàn Quốc, một bữa ăn trung bình có giá khoảng 4 USD (gần 5.000 won). Nhiều người đành chỉ ăn một bữa chính trong ngày. Thậm chí nhiều người do nhịn đói lâu ngày mà dần mắc chứng biếng ăn, suy nhược.
Một nửa số người được hỏi cho hay họ cảm thấy không thoải mái khi phải mua quà sinh nhật cho các thành viên trong gia đình vì đang trong tình cảnh nợ nần.
Trong số những người trong độ tuổi từ 19 đến 24, 60,3% số nợ là do học phí ở trường. Trong khi đó, những người từ 25-29 tuổi “mắc kẹt” với chi phí sinh hoạt, còn tiền nhà ở chiếm phần lớn trong số tiền nợ của những người 30-34 tuổi.
“Những người trẻ Hàn Quốc rơi vào vòng luẩn quẩn sau khi tốt nghiệp đại học với số nợ khổng lồ. Số tiền phải trả không thể trả nhanh chóng mà riêng việc tìm kiếm việc làm đã tốn rất nhiều thời gian”, nghiên cứu chỉ ra.
“Nếu họ chọn những chỗ dễ kiếm việc làm, họ lại đối mặt với tình trạng công việc không ổn định hay mức thu nhập ít ỏi”, nhóm khảo sát cho hay.
Nhiều người được hỏi thể hiện quan điểm tiêu cực đối với các chính sách thanh niên được chính phủ giới thiệu.
“Chương trình hỗ trợ việc làm toàn cung cấp các công việc chất lượng kém. Phần lớn người thất nghiệp cảm thấy tốt hơn là nên đến một tổ chức tư nhân”, một người tham gia trả lời phỏng vấn.