Bình Dương di dời hàng nghìn cơ sở sản xuất để làm dịch vụ, khu vui chơi cho người dân
Đánh giá việc cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bình Dương thực hiện kế hoạch di dời đến nơi phù hợp. Quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất sẽ được xây dựng nhà ở, đường phố, khu vui chơi, tạo cảnh quan sạch đẹp, đưa Bình Dương là nơi đáng sinh sống, học tập và làm việc của người dân.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có trên 1.000 cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, nằm rải rác ở các địa phương, trong đó tập trung nhiều nhất ở TP Thuận An, TP Dĩ An, TX Tân Uyên và TX Bến Cát.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, hiện địa phương có khoảng 555 doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trong đó có khoảng 505 doanh nghiệp, cơ sở nằm ngoài khu, cụm công nghiệp chủ yếu các ngành nghề sản xuất đồ gỗ, gia công cơ khí, sản xuất các sản phẩm nhựa, gốm sứ, kinh doanh phế liệu.
Theo ông Tâm, việc di dời các cơ sở sản xuất vào khu, cụm công nghiệp là rất cần thiết không chỉ phù hợp với quy hoạch xây dựng, đô thị, sử dụng đất, phát triển ngành mà còn đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.
Bình Dương hiện có 29 khu, cụm công nghiệp hoạt động ổn định và đang triển khai xây dựng thêm 2 khu công nghiệp quy mô lớn là Vsip 3 và Cây Trường
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho rằng, đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chưa thực hiện di dời do còn vướng mắc trong cơ chế, chính sách thì tỉnh cần sớm ban hành cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp di dời. Đối với những doanh nghiệp đầu tư nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đã hết thời gian sử dụng đất thì không gia hạn thời gian sử dụng đất.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong tháng 3/2022, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành các tiêu chí, chính sách hỗ trợ di dời. Trong đó, TP Thuận An sẽ là địa phương thí điểm việc di dời cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. Tập trung vận động các doanh nghiệp quy mô lớn thực hiện di dời để tạo quỹ đất lớn phát triển thương mại – dịch vụ.
Ngoài việc di dời các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, Bình Dương thực hiện kế hoạch xây dựng các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu vui chơi, tạo không gian đô thị hỗn hợp để người dân có nơi vui chơi, giải trí.
TP Thuận An và Thủ Dầu Một là hai địa phương có sông Sài Gòn đi qua sẽ xây dựng tuyến đường bộ
Bình Dương hiện đang xây dựng tuyến đường Bạch Đằng nối dài bắt đầu từ giao lộ Ngô Quyền chạy dọc theo sông Sài Gòn và kết thúc bằng đường chui bên dưới cầu Phú Cường (phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một). Công trình gồm có tuyến chính và 2 tuyến nhánh, trong đó tuyến chính dài gần 1km, mặt đường rộng 15m cùng công viên, lối đi bộ dọc bờ sông... Tổng kinh phí đầu tư cho dự án trên 600 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại TP.Thuận An tuyến sông Sài Gòn đi qua có chiều dài khoảng 13,6km. Theo quy hoạch, tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ cầu Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một) đến cầu Vĩnh Bình (TP.Hồ Chí Minh) với tổng chiều dài 13,2km sẽ được đầu tư xây dựng.
Bình Dương xây dựng nhiều công viên mini trên quỹ đất vàng để người dân vui chơi
Thời gian qua, Bình Dương đã dùng hàng trăm khu “đất vàng” với diện tích từ 70 đến 500m2 để xây dựng công viên mini, tạo điểm vui chơi, giải trí cho người dân. Ước tính các khu đất dùng làm công viên có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Nguồn: https://tienphong.vn/binh-duong-di-doi-hang-nghin-co-so-san-xuat-de-lam-dich-vu-khu-vui-choi-cho-nguoi-dan-post1422044.tpo