Báo cáo khởi nghiệp châu Phi do Văn phòng thống kê fDi Intelligence (thuộc tạp chí Financial Times) phối hợp với công ty nghiên cứu Briter Bridges công bố ngày 24/5 đã phác họa bức tranh tổng thể các hệ sinh thái công nghệ non trẻ của châu Phi và tiềm năng của lĩnh vực này trong tương lai, với nhiều điểm sáng như Nam Phi, Kenya, Maroc và Nigeria.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, đầu tư vào không gian khởi nghiệp của châu Phi có mức rất nhỏ so với khu vực Bắc bán cầu.
Đơn cử như theo số liệu năm 2020, các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã huy động được 156,2 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm trong vòng 2 năm, trong khi các công ty khởi nghiệp châu Phi chỉ huy động được hơn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh tiềm năng cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động của Lục địa Đen đang thể hiện rõ ở tác động tích cực tạo ra trên thực tế.
Ngày càng có nhiều câu chuyện thành công liên quan các doanh nghiệp kỹ thuật số, thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp ở châu Phi.
Văn phòng fDi đã tiến hành khảo sát hơn 50 công ty khởi nghiệp tại 17 quốc gia và 50 công ty này thu hút các khoản đầu tư lớn trên 500.000 USD giai đoạn 2019-2020.
Thông qua các công cụ trực tuyến chuyên biệt, cũng như nguồn dữ liệu từ Briter Bridges, fDi đã đánh giá các quốc gia dựa trên những tiêu chí gồm tiềm năng kinh tế, môi trường kinh doanh, hiệu quả chi phí, khả năng kết nối và kinh nghiệm của người lao động.
Xét theo tiêu chí tình hình khởi nghiệp và mức độ thu hút doanh nghiệp, Nam Phi đứng đầu danh sách khảo sát.
Theo báo cáo, Nam Phi là nơi có một trong những mạng lưới vốn đầu tư mạo hiểm (VC) phát triển nhất và là vườn ươm khởi nghiệp lâu đời nhất trên lục địa với Sáng kiến Đổi mới sáng tạo và Công nghệ Cape.
Vườn ươm này đã hỗ trợ hơn 3.000 doanh nhân trong 20 năm kể từ khi thành lập. Với khả năng sẵn sàng tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm, các khoản tài trợ của chính phủ, các cơ sở ươm tạo và tài năng công nghệ, Nam Phi là mô hình tầm nhìn mà các hệ sinh thái công nghệ khác cần vươn tới.
Kenya xếp ở vị trí thứ 2 nhờ sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Quốc gia Đông Phi tự hào có số lượng trường học mã hóa cao nhất và là nước đi đầu trong không gian công nghệ tài chính châu Phi.
Xét theo tiêu chí số lượng, Nigeria đứng đầu với hơn 750 công ty khởi nghiệp. Nam Phi tuy xếp ở vị trí thứ 2, nhưng các công ty khởi nghiệp của nước này đã huy động được 241 triệu USD năm 2020, so với 64,1 triệu USD của Nigeria.
Mặc dù có thể tự hào với nhiều công ty khởi nghiệp nhất trong hệ sinh thái công nghệ châu Phi, nhưng Nigeria lại đứng sau khi xét tới các chỉ số quan trọng khác.
Quốc gia Tây Phi này hoàn toàn vắng mặt trong nhóm 10 nước hàng đầu sở hữu các tiêu chí quan trọng để giúp một công ty khởi nghiệp phát triển mạnh hơn so với những ngày đầu thành lập, bao gồm cả hiệu quả chi phí và năng lực công nghệ trên toàn quốc.
Nigeria cũng chỉ xếp thứ 6 về mức độ thu hút doanh nghiệp. Điều này phản ánh thực tế khó khăn khi kinh doanh ở Nigeria, nơi các doanh nhân phải đối mặt với các chính sách chưa thực sự thuận lợi, các vấn đề cơ sở hạ tầng như tốc độ Internet (truy cập và kết nối) kém và một loạt thách thức mang tính hệ thống khác.
Báo cáo đánh giá mặc dù Lagos nổi tiếng với hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng có sự rời rạc đáng kể giữa hệ sinh thái công nghệ của thành phố, môi trường xung quanh và toàn bộ đất nước Nigeria.
Trái lại, các quốc gia như Maroc và Tunisia được đánh giá cao do đã thực hiện các cải cách hỗ trợ tăng trưởng khởi nghiệp.
Maroc đứng đầu ở tiêu chí kết nối do chính phủ nước này đã triển khai kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Đặt khoa học và công nghệ ở vị trí trọng tâm trong các mục tiêu chuyển đổi kinh tế, Đạo luật Khởi nghiệp năm 2018 của Tunisia được đánh giá có thể truyền cảm hứng cho những hoạt động tương tự ở các quốc gia châu Phi khác./.