Các nền kinh tế mới nổi chịu nhiều rủi ro từ căng thẳng Mỹ - Trung Quốc

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Châu Bình, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc Bộ phận tiền tệ và thị trường vốn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Tobias Adrian ngày 16/10 đã đưa ra nhận định trên trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách đạt được một thỏa thuận thương mại.

Phát biểu trước báo giới, ông Adrian cho biết căng thẳng thương mại thông qua hoạt động tăng thuế qua lại giữa Washington và Bắc Kinh đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường tài chính trong 2 năm qua. Theo ông, căng thẳng này có thể gây hậu quả dây chuyền ảnh hưởng đến các nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn.

Trước thực tế nêu trên, ông Adrian hối thúc các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới tiếp tục phối hợp để giải quyết những căng thẳng thương mại bởi đây là nguồn gốc chủ yếu dẫn tới những yếu tố khó đoán định và nguy cơ sụt giảm của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường đang nổi.

Tháng 9 vừa qua, IMF cho biết tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm tới 0,8% nếu tất cả các biện pháp tăng thuế bổ sung mà Mỹ và Trung Quốc công bố từ năm 2018 được áp dụng. Tranh cãi thương mại giữa hai nước kéo dài trong 15 tháng qua đã gây rối loạn các thị trường tài chính và làm tốc độ tăng trưởng toàn cầu rơi vào tình trạng trì trệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ đạt 1% - mức thấp nhất kể từ năm 2012 do chịu sức ép từ các hoạt động tăng thuế, những chính sách thương mại không rõ ràng, trong khi ngành sản xuất ô tô giảm sút.

Theo dự báo của IMF, trao đổi thương mại toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ tăng 1,1% sau khi tăng trưởng 3,5% vào năm 2018. Con số này vào năm 2020 sẽ phục hồi lên mức 3,2%, tuy nhiên những nguy cơ giảm sút vẫn hiện hữu do đà tăng trưởng chậm của kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Hiện cả Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực chấm dứt cuộc chiến thương mại bằng một thỏa thuận. Mới đây, hai bên đã thống nhất được giai đoạn đầu của một thỏa thuận thương mại, mở ra triển vọng tranh chấp thương mại giữa 2 nền kinh tế thế giới sớm chấm dứt.

Lan Phương (TTXVN)

Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN