Cách vượt qua nỗi sợ khởi nghiệp

Mặc dù nhiều người mơ ước khởi nghiệp, rất ít kẻ dám hành động. Gần 2/3 người trưởng thành ở Mỹ từng nghĩ tới việc khởi nghiệp, song chỉ khoảng 1/3 người Mỹ từng thực hiện ý tưởng, theo kết quả khảo sát vào năm 2009 do trang FindLaw.com thực hiện. Tại sao? Kinh nghiệm của tôi, với tư cách là nhà tư vấn quản lý, cho thấy những nỗi sợ phi lý là một trong những nhân tố cản trở họ hành động.

Doanh nhân cũng có nỗi sợ như mọi người khi họ nghĩ tới chuyện khởi nghiệp, song họ chấp nhận rủi ro trong giới hạn nhất định để có cuộc sống và sự nghiệp mơ ước. Ảnh: Lawdonut.com

Điều trớ trêu là những người dám nhận trách nhiệm với bản thân để vượt qua rào cản tâm lý và khởi nghiệp thường không xem lại quyết định của họ. Nỗi sợ tồn tại trong thời gian ngắn và thường được thay thế bởi cảm giác tự tin, mạnh mẽ và quyết tâm thành công.

Bạn sợ thực hiện “cú nhảy khởi nghiệp” không? Joe Matthews, một trong những nhà tư vấn doanh nghiệp hàng đầu ở Mỹ và là đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng "Street Smart Franchising", liệt kê vài giả định sai lầm phát sinh bởi sự sợ hãi, cùng những cách để vượt qua những rào cản có thể cản trở bạn hành động.

Nếu tôi tìm ra công việc kinh doanh phù hợp, tôi sẽ thành công.

Với câu nói này, người ta giả định công thức thành công của một doanh nghiệp không phụ thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm của doanh nhân, mà chỉ phụ thuộc vào sản phẩm và hệ thống của doanh nghiệp. Kiểu tư duy ấy có thể dẫn tới tình trạng “bới bèo ra bọ” về những sai lầm đối với mọi cơ hội kinh doanh từng xuất hiện. Một doanh nhân lão luyện sẽ nghĩ: “Việc kinh doanh không khiến tôi thành công. Tôi là người khiến việc kinh doanh thành công”. Sự thật đầy quyền năng ấy có thể tiếp sức mạnh cho doanh nhân để họ thừa nhận những cạm bẫy tiềm ẩn và tìm ra cách vượt qua chúng.

Tôi sẽ đối mặt với tương lai khó lường nếu làm cho bản thân, trong khi tôi muốn cuộc sống thoải mái và bình thường.

Trong khi phần lớn mọi người muốn sự ổn định và an toàn, doanh nhân chấp nhận và lên kế hoạch cho sự bất trắc trong ngắn hạn để đổi lấy một cuộc sống và sự nghiệp mà họ lựa chọn trong dài hạn. Người có tư tưởng làm thuê sẽ giống như kẻ ngồi một cách ung dung trong khán đài để theo dõi một trò chơi và băn khoăn rằng họ sẽ ra sao nếu nhập cuộc. Ngược lại, người có tinh thần khởi nghiệp sẽ nhập cuộc và chơi hết mình.

Tôi sợ tương lai khó lường

Những người e ngại sở hữu doanh nghiệp riêng sợ cảm giác mơ hồ trong kinh doanh. Đương nhiên doanh nhân cũng không thích sự mơ hồ, nhưng chấp nhận rằng nó là yếu tố tạm thời và họ kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tạo ra kết quả dễ đoán hơn trong tương lai gần.

Tôi sẽ chết nếu kinh doanh thất bại.

Doanh nhân không thích thất bại, nhưng họ thường không bao giờ để bản thân rơi vào tình huống mà họ không thể thoát ra. Một doanh nhân có lý trí luôn hình dung tình huống xấu nhất, và vạch ra chiến lược tồn tại nếu nó xảy ra. Mặc dù doanh nhân không muốn thất bại, họ vẫn sẽ “sống sót” nếu thất bại xảy ra.

Đây không phải lúc để khởi nghiệp.

Một số người hành xử như thể vũ trụ chỉ gồm hai giai đoạn – giai đoạn phù hợp để khởi nghiệp và giai đoạn không phù hợp. Một doanh nhân thực thụ luôn sẵn sàng tuyên bố rằng đây là thời gian hợp lý để khởi nghiệp và tìm mọi cách để kinh doanh hiệu quả.

Hãy tự hỏi bản thân bạn sẽ làm gì để tới gần mục tiêu hơn. Sau đó, dù hành động của bạn to tát hay tầm thường, hãy thực hiện nó. Dành một ngày để viết kế hoạch kinh doanh. Chẳng hạn, nếu bạn muốn bắt đầu công việc tư vấn, hãy chọn một khách hàng và tư vấn.

Lời khuyên tốt nhất dành cho một doanh nhân tiềm năng có lẽ là lời khuyên của Thánh Francis: “Bắt đầu bằng cách thực hiện việc cần thiết. Sau đó bạn thực hiện việc khả thi. Và rồi đột nhiên bạn sẽ làm được việc bất khả thi”.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Nguồn: Báo DĐDN