Khi dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế Mỹ, chính quyền Washington chật vật xác định các đối tượng cần giải cứu. Politico so sánh tình thế này với những gì các bác sĩ ở Italy đang trải qua tại các bệnh viện chật cứng bệnh nhân.
"Họ không muốn lãng phí nguồn lực quý giá với các bệnh nhân không thể cứu chữa, hoặc với những người có thể phục hồi mà không cần sự hỗ trợ. Họ biết bản thân không thể cứu sống mọi người mà chỉ có thể dồn sức cho những ca có nhiều hi vọng sống sót", Politico bình luận.
Trong thời điểm thương mại Mỹ gián đoạn nghiêm trọng vì dịch virus có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), hầu như tất cả doanh nghiệp - ngoại trừ Amazon, Costco và Purell - lao đao. Và chính quyền Washington đang vô cùng bối rối.
Bởi gần như mọi ngành công nghiệp Mỹ - kể cả ngành kinh doanh máy bay tư nhân đang ăn nên làm ra - đều cử chuyên gia vận động hành lang tới Quốc hội để "thủ thỉ" với các nghị sĩ, hi vọng có được một "miếng bánh" trong gói cứu trợ của chính phủ.
Ngành nào cũng xin giải cứu
Ngành công nghiệp khai thác khai thác hy vọng có thể tạm ngừng đền bù cho các công nhân bị bệnh bụi phổi. Ngành kinh doanh khách sạn xin khoản cứu trợ 150 tỷ USD. Nếu đề nghị này được thông qua, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Donald Trump cũng sẽ hưởng lợi.
Chắc chắn gói cứu trợ - khi được Quốc hội Mỹ thông qua - sẽ mở đường cho chính phủ chuyển tiền mặt cứu trợ đến tay người dân. Và các công ty cũng sẽ nhận những khoản tiền khổng lồ. Gói cứu trợ Phố Wall 700 tỷ USD hồi năm 2008 bị chỉ trích dữ dội, nhưng đã giúp vực lại thị trường tài chính Mỹ.
Và nó là cơ sở để xác định chính phủ Mỹ sẽ giải cứu các công ty lần này như thế nào. Hiện tại, đảng Dân chủ gây sức ép đòi hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình Mỹ, đặc biệt là nhóm người nghèo nhất.
Trong khi đó, phía đảng Cộng hòa muốn hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp không kèm theo nhiều điều kiện hay cơ chế kiểm soát cần thiết.
Nhưng chắc chắn rằng Washington sẽ chuyển một số tiền khổng lồ cho các nhà tư bản Mỹ, có thể không tới 700 tỷ USD, nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn số tiền 80 tỷ USD đã chi để giải cứu ngành công nghiệp ôtô hồi năm 2009. Đề xuất của Tổng thống Donald Trump bao gồm 500 tỷ USD dành cho khối doanh nghiệp.
Một số ngành công nghiệp đang xin giải cứu thực sự có vai trò quan trọng với nền kinh tế Mỹ. Nhiều công ty đang đối mặt với việc phải sa thải nhân viên hàng loạt. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của Washington vào lúc này phải là kiềm chế dịch.
Điều đó có nghĩa là chính quyền Mỹ cần phải đầu tư rất mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất bộ xét nghiệm, khẩu trang và máy thở, cung cấp thêm giường bệnh và vật tư y tế. Điều đáng nói là đề xuất kích thích kinh tế dài 2 trang của Tổng thống Trump không bao gồm một xu nào cho các ngành kinh doanh trên.
Theo Politico, vấn đề là quy mô và thời gian "tung hoành" của dịch Covid-19 sẽ quyết định số phận của các ngành hàng không, khách sạn và tất cả doanh nghiệp khác ở Mỹ. Do đó, một gói cứu trợ không ưu tiên chấm dứt dịch sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.
Cứu trợ mà không ưu tiên ngành y tế là vô ích
Cuộc khủng hoảng hiện tại ở nước Mỹ là một thảm họa y tế công, và cách duy nhất để giúp các khách sạn, nhà máy, dịch vụ du lịch tàu thủy... sống sót và hoạt động trở lại là sớm kiểm soát dịch Covid-19.
Do đó, các ngành công nghiệp này không có quyền đòi được cứu trợ đầu tiên, ngoại trừ trường hợp các tàu du lịch và khách sạn được bố trí làm nơi cách ly bệnh nhân và các nhà máy chuyển hướng sang sản xuất thiết bị y tế. Và số tiền đầu tư vào ngành y tế sẽ giúp giải cứu hàng triệu doanh nghiệp, tiết kiệm cho đất nước hàng nghìn tỷ USD.
Sau ngành y tế, một số ngành công nghiệp khác có thể được coi là tối quan trọng với nền kinh tế Mỹ. Đề xuất của Tổng thống Trump bao gồm các khoản vay ưu đãi trị giá 200 tỷ USD dành cho các hãng hàng không và “những lĩnh vực kinh tế quan trọng gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng”.
Câu hỏi kế tiếp với Washington sẽ là các ngành nào quan trọng với nền kinh tế đến mức cần được giải cứu ngay lập tức bằng tiền thuế của dân. Ngành nào cũng đang gặp khó khăn. Ước tính hơn 2 triệu lao động Mỹ làm trong ngành khách sạn, 15 triệu nhận lương từ các nhà hàng.
Tuy nhiên, Politico cho rằng chính quyền Mỹ không nên ưu tiên các ngành công nghiệp này, thay vào đó cần đưa ra các chương trình chung hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Ngành hàng không có thể sẽ được giải cứu bởi cung cấp một dịch vụ kinh tế quan trọng với nước Mỹ.
Thậm chí nếu dịch kéo dài, Phố Wall sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ, và các đại gia tài chính cũng sẽ gõ cửa Nhà Trắng xin giải cứu. Trên thực tế, giá cổ phiếu Mỹ lao dốc nhiều ngày qua đã buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) bơm hàng trăm tỷ USD vào hệ thống tài chính.
Theo Politico, điều quan trọng nhất vẫn là nhanh chóng chấm dứt dịch và hỗ trợ người lao động Mỹ bằng cách trao tiền mặt cho họ. Đồng thời, chính quyền cũng cần cứu trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ với điều kiện chủ doanh nghiệp tiếp tục giữ chân và trả lương cho người lao động.
"Chúng tôi không muốn hàng triệu người rơi vào cảnh mất việc làm", một cố vấn của đảng Cộng hòa nói. Politico cũng nhấn mạnh: "Trước khi nghĩ đến việc chi 500 tỷ USD cho các tập đoàn, Washington cần giải cứu những người lao động đóng thuế".
"Chính phủ Mỹ không đủ quyền năng để cứu mọi doanh nghiệp, cũng như các bác sĩ Italy không thể cứu mọi bệnh nhân. Nhưng Washington có khả năng đảm bảo từng người Mỹ có đủ tiền mặt để mua đủ hàng hóa cần thiết để vượt qua dịch bệnh. Và khi tiêu số tiền đó, họ đặt nền móng cho sự phục hồi", Politico khẳng định.