Chính sách miễn giảm thuế, phí: "Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp vượt bão
Các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
"Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp phục hồi
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, từ đầu năm đến nay, nhiều chính sách và giải pháp của Chính thủ đã "ngấm" tới doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động, sản xuất kinh doanh. "Trong đó đặc biệt là các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp về dòng tài chính để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần tích cực đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát", ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên VTVTime.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm trong 4 tháng đầu năm nay đạt khoảng 25.508 tỷ đồng. Trong đó, giảm thuế suất thuế GTGT theo Nghị định 44/2023 và Nghị định 94/2023 ước khoảng 10.900 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội ước khoảng 13.164 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg làm giảm thu khoảng 1.444 tỷ đồng.
Nhiều chính sách và giải pháp của Chính thủ đã "ngấm" tới doanh nghiệp
Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 4/2024, cơ quan thuế đã ban hành 5.580 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 39.440 tỷ đồng; bằng 23,1% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024; bằng 105% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, cơ quan Thuế đã thực hiện được 10.501 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 15,8% kế hoạch năm 2024 và bằng 86% so với cùng kỳ; kiểm tra được 98.330 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 9.956 tỷ đồng, bằng 57,7% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 1.704 tỷ đồng, bằng 56,8% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Đáng chú ý, báo cáo về công tác đăng ký, kê khai thuế, Tổng cục Thuế cho biết, hiện toàn quốc có 926.225 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 30.118 doanh nghiệp (3,4%) so với thời điểm cuối năm ngoái.
Tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách tài khóa
Tiếp tục xem xét tiếp tục giảm 2% thuế GTGT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ
Được biết, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do tác động của dịch bệnh, trong giai đoạn 2020-2023, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Dự kiến các gói hỗ trợ đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Trong bối cảnh đó, trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ đầu năm đến nay, thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay, ngành này đã chủ động rà soát, đánh giá, tham mưu Chính phủ xây dựng các gói hỗ trợ năm 2024, bao gồm: Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024; Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…Mục tiêu lớn nhất đặt ra là chính sách tài khóa sẽ tiếp tục góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuế để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế số...; nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường để thu hút đầu tư kinh doanh nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước...
Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét tiếp tục giảm 2% thuế GTGT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Thời gian áp dụng là từ ngày 1/7 đến hết 31/12, tức kéo dài thêm 6 tháng so với quyết định cuối năm ngoái của Quốc hội.
Nguồn: vtv