Chứng khoán Mỹ và châu Âu chuyển động trái chiều

Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,2% xuống 29.438,42 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng mất 1,2% xuống 3.567,79 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite trượt 0,8% và đóng cửa ở mức 11.801,60 điểm.

Thị trường chứng khoán đã biến động trong suốt phiên giao dịch và có lúc tăng nhẹ trước triển vọng điều chế vaccine phòng COVID-19, sau khi hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng này cho thấy hiệu quả đến 95% và hai hãng này sẽ xin nhà chức trách Mỹ cấp phép lưu hành khẩn cấp sau vài ngày tới. Trước đó, hãng Moderna (Mỹ) ngày 16/11 cũng thông báo vaccine do hãng này nghiên cứu cũng phát huy hiệu quả tới 95%. Tuy nhiên, đà lao dốc rõ hơn sau khi Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio tuyên bố đóng cửa trường học trong khi số ca mắc COVID-19 tại Mỹ ngày một tăng cao với gần 162.000 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 17/11.

Chiến lược gia thị trường Art Hogan thuộc National Securities nhận định thị trường diễn biến trái chiều giữa tâm lý phấn khích với vaccine ngừa COVID-19 xen lẫn lo ngại về tình hình dịch bệnh phức tạp. Ông lưu ý mặc dù chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều chốt phiên ở mức cao kỷ lục trong phiên đầu tuần, song lại liên tục giảm điểm trong hai ngày qua.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số trên sàn chứng khoán châu Âu lại chốt phiên trong sắc xanh. Cụ thể, chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,4% lên mức 3.482,17 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tăng 0,5% lên mức 13.201,89 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng tiến 0,5% lên 5.511,45 điểm. Tương tự, chỉ số FTSE 100 của London (Anh) nhích 0,3% và chốt phiên ở mức 6.385,24 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường "vàng đen", giá dầu thế giới tăng khoảng 1% trong phiên 18/11 trước hy vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (còn gọi là OPEC+) sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu. Thị trường năng lượng cũng được tiếp sức nhờ báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ đã tăng thấp hơn dự kiến trong tuần trước. Khép phiên, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,35% lên 44,34 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ WTI tăng 0,9% lên 41,82 USD/thùng.

Nhằm giải quyết tình trạng nhu cầu năng lượng suy giảm trong bối cảnh nhiều nước đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, Saudi Arabia đã kêu gọi các nước thuộc OPEC+ linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường và sẵn sàng điều chỉnh thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Dự kiến, OPEC+ sẽ nhóm họp vào các ngày 30/11 và ngày 1/12 tới để quyết định chính sách sản lượng trong năm 2021. Giới quan sát nhận định có khả năng các thành viên OPEC+ sẽ nhất trí hoãn kế hoạch tăng sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày, tương đương 2% nhu cầu toàn cầu, vào tháng 1/2021 và thời gian trì hoãn có thể kéo dài 3 đến 6 tháng để hỗ trợ thị trường.


Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN