Covid-19 đã làm điêu đứng hai gã khổng lồ hàng không như thế nào?

Máy bay Airbus (Nguồn: Airbus)

Airbus đang “chảy máu tiền mặt”

Chỉ trong vài tháng, Covid-19 đã đánh sập thành quả hàng thập kỷ bùng nổ của ngành hàng không vốn tạo ra việc làm và giúp hàng trăm triệu người lần đầu tiên trong đời được bay. Giờ đây, tất cả đã thay đổi!

Theo Hãng tổng hợp dữ liệu Cirium, gần 2/3 số lượng máy bay trên thế giới hiện đang nằm “đắp chiếu” trong bối cảnh nhu cầu đi lại của hành khách giảm tới 90%. Các hãng vận chuyển trên toàn thế giới đối mặt với một "khủng hoảng tài chính chồng chất" và có thể mất 314 tỷ USD doanh thu trong năm nay. Riêng tại châu Âu, có tới 6,7 triệu việc làm trong ngành hàng không bị "bốc hơi". Hiệp hội hàng không thế giới kêu gọi những hành động khẩn cấp từ chính phủ để "bảo tồn dịch vụ hàng không".

Ngay trong quý I/2020, gã khổng lồ hàng không Airbus báo cáo doanh thu giảm 15%, xuống còn 10,6 tỷ Euro. Guillaume Faury - CEO Airbus - cho biết, nhà sản xuất máy bay này đang "chảy máu tiền mặt" và cần cắt giảm chi phí ngay để thích ứng với sự lao dốc của ngành công nghiệp hàng không. Với các khách hàng hiện phải chật vật để tồn tại và không thể nhận máy bay mới, hãng đang xếp lại lịch giao hàng và đánh giá lại triển vọng dài hạn của ngành công nghiệp này. Lúc này, bảo tồn tiền mặt là chìa khóa, nhưng chuyên gia của Melius Research ước tính Airbus mất khoảng 6,5 tỷ Euro (hơn 7 tỷ USD). Airbus đã tăng thanh khoản lên 15 tỷ Euro để vượt qua đại dịch.

Airbus nhận được tổng cộng 274 đơn hàng trong tháng 1/2020 sau khi đã trừ đi số đơn hàng bị hủy. Chuyên gia phân tích của Agency Partners dự báo Airbus sẽ phải cắt giảm công suất thêm 30% để phù hợp với nhu cầu máy bay giảm trong 2 đến 3 năm tới. Airbus đã cho khoảng 3.000 nhân viên người Pháp nghỉ việc và con số chắc phải tăng lên. 3.200 công nhân ở Anh cũng đang nghỉ việc và Chính phủ nước này sẽ hỗ trợ trả 80% lương cho họ, tối đa 2.500 Bảng Anh (3.100 USD) mỗi tháng. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để cung cấp việc làm bán thời gian cho hàng ngàn công nhân Đức.

Airbus cũng báo cáo khoản lỗ trị giá 480 triệu Euro (515 triệu USD) trong quý đầu tiên, cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc và tìm kiếm khoản vay để sống sót qua cuộc khủng hoảng Covid-19. Airbus đã không thể giao hàng 60 máy bay theo kế hoạch trong quý do đại dịch và tình hình quý 2 cũng không sáng sủa hơn.

Cảnh họa vô đơn chí của Boeing

Trong năm 2019, Boeing đã trải qua giai đoạn “tồi tệ” nhất trong nhiều thập niên về số đơn hàng khi cuộc khủng hoảng 737 MAX dẫn đến việc lần đầu tiên trong 20 năm qua Boeing phải ngừng sản xuất dòng máy bay bán chạy nhất 737 vào tháng 1/2020 và sự ra đi của Giám đốc điều hành Muilenburg vào tháng 12/2019. Năm 2019, hãng cũng chỉ giao được 380 máy bay thương mại, giảm tới 53% so với năm 2018 và là mức thấp nhất kể từ năm 2007. Đồng thời, Boeing cũng tồn kho hơn 5.400 máy bay thương mại đường dài và ngắn. Trong khi nỗ lực khắc phục hậu quả sau các vụ tai nạn liên quan đến dòng máy bay 737 Max, tập đoàn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi các hãng hàng không đã hủy hoặc trì hoãn đơn hàng mua máy bay mới do Covid-19.

Máy bay Boeing 777. (Nguồn: NOS)

Đặc biệt, trong tháng Một vừa qua, lần đầu tiên trong gần 60 năm, hãng không nhận được bất kỳ một đơn đặt hàng mới nào và cũng chỉ chuyển giao 13 máy bay cho khách hàng trong tháng 1/2020. Theo trang web của Boeing, công ty có hơn 161.000 nhân viên tại Mỹ và 65 quốc gia khác. Mất 1,7 tỷ USD do việc cắt giảm các hoạt động chính, Boeing tuyên bố sẽ cắt giảm 10% nhân công, tương đương 16.000 vị trí việc làm. Calhoun - CEO của Boeing - cho biết, công ty đã đưa ra chính sách tự nguyện thôi việc đối với 70.000 nhân viên, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2020. Theo đó, các nhân viên đủ điều kiện và tự nguyện nghỉ việc sẽ được hỗ trợ lương và trợ cấp. Boeing tuyên bố cắt giảm việc làm khi báo cáo khoản lỗ 641 triệu USD trong quý đầu tiên trong khi đã kiếm được 2,15 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái, doanh thu giảm 26%, xuống 16,91 tỷ USD.

Kết thúc năm 2019, hãng đạt 76,5 tỉ USD doanh thu, giảm 24% so với năm trước, trong đó, bộ phận máy bay thương mại chiếm 32 tỉ USD doanh thu, hàng quốc phòng chiếm 26 tỉ USD. Việc tạm thời đóng cửa các nhà máy tại bang Washington do lo ngại về sự lây lan dịch bệnh đã khiến Boeing bị “bốc hơi” 137 triệu USD. Cổ phiếu của Boeing đã mất khoảng 2/3 giá trị trong tháng qua, giảm nhanh hơn so với toàn thị trường chứng khoán. Công ty đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn thiệt hại về tài chính - rút sớm toàn bộ số tiền của khoản vay 13,8 tỉ USD vào giữa tháng Ba, ngay sau khi thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc và tạm dừng tất cả các giao dịch mới. Boeing đã vay hàng tỷ USD để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đã kết thúc tháng Ba với 15,5 tỷ tiền mặt (ba tháng trước đó chỉ có 10 tỷ), nhưng có thêm 11,6 tỷ nợ mới, hiện có tổng trị giá 38,9 tỷ USD.

Ngày 27/4, CEO Boeing Calhoun cho rằng có thể phải mất từ 3-5 năm tập đoàn này mới có thể chi trả cổ tức ở mức tương đương giai đoạn trước khủng hoảng dịch Covid-19, trong bối cảnh ngành hàng không phục hồi chậm chạp do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, ông cho rằng ngành hàng không sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi dịch Covid-19 được kiểm soát, dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Nhận định trên của ông là một tín hiệu cho thấy Boeing ưu tiên trả nợ và duy trì chuỗi cung ứng chế tạo, thay vì chia cổ tức cho các cổ đông trong tương lai gần.


Nguồn: Báo TG&VN