Cuộc chiến bắt taxi đêm ở Seoul

Nhu cầu giải trí đêm muộn của cư dân Seoul trở lại sau thời gian dịch bệnh, song việc thiếu taxi trầm trọng đang khiến nhiều người phải tìm cách về nhà sớm.

Tối thứ bảy tuần trước, Lee (29 tuổi) ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), cố gọi taxi thông qua ứng dụng di động để về nhà sau buổi tối tụ tập với bạn bè nhưng bất thành, theo Korea Times.

“Tôi và bạn chờ trên phố hơn 1 tiếng đồng hồ ngoài khu Itaewon. Nó như cơn ác mộng khi chúng tôi thậm chí tải thêm vài ứng dụng khác để gọi taxi song đều thất bại”, Lee kể lại.

Cuối cùng, Lee phải nhờ người bố đến đón vào giữa đêm khuya.

Taxi cao cấp thường có giá cao gấp vài lần so với loại thông thường ở Seoul. Ảnh: Alarmy.

Không thể gọi taxi vào khung giờ đêm muộn là điều cư dân ở Seoul và các khu vực lân cận khác trải qua trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Nhu cầu đi chơi trở lại

Kim Seo Yeon, một nhân viên văn phòng ở độ tuổi 20, sinh sống tại quận Gangnam, gần đây đã phải tải "Kakao Taxi Black", một loại taxi cao cấp khi muốn di chuyển vào tối cuối tuần. Số tiền Seo Yeon phải bỏ ra cao gấp đôi so với giá tiền taxi truyền thống.

“Tôi dành khoảng 1 giờ, cố gắng gọi taxi thông thường nhưng không nhận được phản hồi từ bất kỳ tài xế nào. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyển sang loại xe cao cấp hơn. Giờ, tôi cần đảm bảo về nhà trước giờ các phương tiện giao thông công cộng đóng cửa”, cô nói.

Cuộc sống tại thủ đô Seoul dần trở lại bình thường khi việc hạn chế giờ hoạt động nhà hàng, quán bar đã được dỡ bỏ kể từ ngày 1/11.

Kể từ đó, việc vật lộn để bắt thành công một chiếc taxi tại các điểm giải trí về đêm như Gangnam, Jongno, Hongdae hoặc Itaewon diễn ra thường xuyên.

Theo thống kê của Seoul City, trong tuần đầu tiên của tháng 11, số lượng sử dụng taxi trung bình trong khung giờ cao điểm vào ban đêm (từ 23h hôm trước đến 4h hôm sau) là 28.972 người, so với con số 16.510 vào tuần đầu tháng 10.

Không bắt được taxi, các cư dân Seoul phải chuyển sang canh giờ về buổi tối trước giờ phương tiện công cộng dừng hoạt động. Ảnh: Chosun.

Tài xế bỏ nghề

Song số lượng taxi chạy trên đường phố Seoul đã giảm mạnh so với mức trước đại dịch.

Số tài xế taxi trên cả nước ở mức 241.721 người tính đến tháng 9 năm nay, giảm 25.468 người, tương đương giảm 9,5% so với tháng 12/2019, theo dữ liệu từ Hiệp hội Taxi quốc gia Hàn Quốc.

Sự sụt giảm chủ yếu đến từ số tài xế của các hãng taxi, với chỉ còn hơn 77.000 người tính đến tháng 9, giảm 24% so với con số 102.000 người của hai năm trước.

Yoo Jeong-whon, giáo sư Khoa Kỹ thuật Hệ thống Giao thông tại Đại học Ajou cho biết: "Khi lượng người di chuyển giảm mạnh trong đại dịch Covid-19, nhiều tài xế taxi đã rời sang các lĩnh vực khác như giao hàng. Và họ không chọn quay lại khi tình hình ổn định trở lại. Còn các tài xế tư nhân, chiếm khoảng 2/3 số lượng hiện giờ, chỉ muốn làm việc vào ban ngày, dẫn đến tình trạng ‘khan hiếm’ vào ban đêm”.

Nói cách khác, nhu cầu đang vượt xa nguồn cung nên việc hành khách gặp khó khăn là điều không tránh khỏi.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một lượng lớn tài xế taxi ở Seoul chuyển sang công việc khác và không có ý định quay lại nghề cũ. Ảnh: Korea Herald.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Seoul đã tạm thời dỡ bỏ quy định “3 ngày” với tài xế tư nhân kể từ ngày 16/11, cho phép họ chạy xe xuyên suốt mà không phải cứ 3 ngày làm việc nghỉ 1 ngày.

Song, các biện pháp ngắn hạn sẽ không giúp giải quyết được tình trạng hiện tại.

Giáo sư Yoo nhấn mạnh thêm tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn vào cuối năm do nhu cầu đi chơi và lượng người tụ tập tăng lên.

"Chính quyền thành phố nên đưa ra các biện pháp tốt hơn, chẳng hạn như tăng cường xe buýt chạy vào ban đêm từ các khu vực đông đúc ở Seoul đến các khu dân cư ở tỉnh Gyeonggi hoặc xem xét tạm thời cho phép dịch vụ sử dụng xe bán tải nhỏ", ông nói.

Ông cũng chỉ ra rằng các cơ quan giao thông vận tải nên cởi mở hơn với các nhà cung cấp dịch vụ mới để giải quyết tình trạng mất cân bằng cung và cầu kinh niên trong ngành taxi.

"Ở các quốc gia khác, khách hàng được cung cấp một số lựa chọn khác với taxi thông thường, chẳng hạn như Uber và Grab. Nhưng chính phủ Hàn Quốc đã quản lý quá mức các dịch vụ chia sẻ xe đến từ nước ngoài tham gia vào ngành”.

Nguồn: zingnews.vn