CV xin việc bán hàng: 7 lỗi cần tránh

Những lỗi nào cần tránh khi viết CV xin việc bán hàng? Hãy đọc bài viết sau để có được những thông tin cần thiết và hữu ích.

Bán hàng là một trong số những công việc có nhu cầu tuyển dụng rộng mở nhất hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa, muốn tìm kiếm được việc làm mơ ước trong ngành bán hàng, đòi hỏi bạn phải vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh. Do đó, bên cạnh kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn, ứng viên cần học cách viết CV ấn tượng, ghi điểm với nhà tuyển dụng. Thực tế có nhiều người mắc sai lầm khi viết CV khiến mất cơ hội việc làm mơ ước.

Vậy những lỗi nào cần tránh khi viết CV xin việc bán hàng? Hãy đọc bài viết sau để có được những thông tin cần thiết và hữu ích nhé.

Trình bày dài dòng

Viết lan man, dài dòng là điểm trừ lớn nhất trong CV xin việc bán hàng. Đúng là CV được xem như bản tóm tắt về quá trình học tập, làm việc, các kỹ năng nghề nghiệp… của bản thân ứng viên, nhưng không nhất thiết phải nêu tất cả những gì bạn có.

Bạn nên tránh nêu các sở thích cá nhân hay những kinh nghiệm, kỹ năng không liên quan đến vị trí ứng tuyển. Điều này chỉ khiến CV của bạn trở nên quá dài dòng, thiếu trọng tâm. Thay vào đó, hãy làm nổi bật các phần chính thay vì đồng đều tất cả, chú ý đến mục tiêu nghề nghiệp, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng… như vẫn thường thấy ở các mẫu CV xin việc đơn giản.

Không nên đưa ra những kinh nghiệm, kỹ năng không liên quan đến vị trí ứng tuyển.

Viết mục tiêu nghề nghiệp chung chung

Khi bạn viết mục tiêu nghề nghiệp quá chung chung sẽ khiến CV xin việc bán hàng của bạn trở nên nhàm chán, nhạt nhòa trong mắt người tuyển dụng. Vì thế, bạn cần tập trung suy nghĩ và đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn làm việc như 2 năm, 5 năm, 10 năm, tránh kể lể dài dòng.

Đối với CV cho công việc bán hàng, điều quan trọng nhất bạn cần thể hiện chính là niềm đam mê với công việc. Nhìn chung, vai trò nhân viên bán hàng đòi hỏi bạn phải sở hữu tính kiên trì, không ngại thử thách, luôn bền bỉ hướng đến mục tiêu. Do đó niềm đam mê công việc là vô cùng cần thiết.

Nên viết mục tiêu một cách rõ ràng nhất có thể, chẳng hạn: Tôi muốn trong vòng 5 năm tới có thể trở thành leader của một trong những đội nhóm bán hàng giỏi nhất.

Không có ví dụ cụ thể

Nói về bản thân để gây thiện cảm cho nhà tuyển dụng là điều không dễ. Khi nói về kỹ năng chuyên môn, nhiều người quen liệt kê ra các điểm mạnh của mình với những từ ngữ hay ho và sáo mòn mà quên mất rằng, nhà tuyển dụng đã đọc qua hàng trăm CV và họ thường xuyên bắt gặp những lời như vậy từ các ứng viên. Cho nên, nếu không có ví dụ cụ thể đính kèm những đoạn miêu tả các kỹ năng nổi trội nhất, thì CV của bạn sẽ trở nên nhạt nhòa, kém thu hút.

Nhiều bạn giành thành tích cao trong công việc, tăng doanh thu công ty hay ký kết các hợp đồng giá trị… nhưng không biết cách trình bày những thành tích đó vào bản CV thì cũng không thể hiện hết giá trị cá nhân với nhà tuyển dụng. Hãy tránh mắc lỗi này bằng cách liệt kê thành tích cùng với số liệu cụ thể hoặc tỉ lệ phần trăm. Ví dụ: “Trong quá trình làm việc tại công ty X, hàng tháng tôi đều vượt 30% doanh số và thu hút được 100 khách hàng tiềm năng mới cho công ty”.

Không trung thực

Nhiều người cho rằng họ giỏi cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết tiếng Anh trong khi sự thực là khả năng tiếng Anh của họ khá tệ. Hay họ cho rằng bản thân mình từng là nhân sự chủ chốt, điều hành hoạt động của một bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp trong khi họ chỉ là một nhân viên bình thường. Những lời nói dối này thường bị phát hiện rất sớm.

Hãy nhớ rằng, nhà tuyển dụng luôn có cách để kiểm tra xem bạn nói thật hay nói dối. Nếu họ phát hiện bạn dối trá, bạn có thể bị sa thải dù đã trở thành nhân viên chính thức. Nói tóm lại, CV của bạn nên chứa 100% thông tin đúng sự thật.

Hãy tự tin với những gì mình có, dù không thể chắc chắn giúp bạn thành công nhưng sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Thiếu các kỹ năng và kinh nghiệm theo yêu cầu công việc

Một CV xin việc bán hàng tốt phải có tính chuyên nghiệp và thực tế cao. Các kỹ năng và kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng yêu cầu là một trong những điều cần thiết phải được đưa vào CV. Nếu bạn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm hoặc bạn có nhưng không đề cập đến trong CV hay cung cấp quá ít thông tin, nhà tuyển dụng sẽ khó đánh giá khả năng của bạn có phù hợp với vị trí này hay không và có lẽ CV của bạn sẽ bị loại.

Nếu vị trí công việc yêu cầu mười kỹ năng cụ thể và bạn chỉ có năm kỹ năng trong số đó, đừng đưa thêm những kỹ năng không liên quan. Hãy tỏ ra chuyên nghiệp bằng cách chỉ đề cập đến những kỹ năng phù hợp với vị trí công việc. Có thể nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc nếu thấy bạn tự tin và sẵn sàng học hỏi.

Viết về những điểm yếu của bạn

Ấn tượng đầu tiên về ứng viên là thông qua CV và điều này rất quan trọng vì thế bạn đừng vội vàng “phơi” ra quá nhiều điểm yếu. Nếu có thể, hãy tránh nói về các nhược điểm của bản thân, hoặc chỉ đề cập một cách chung chung, khéo léo. Đặc biệt, khi bạn đang ứng tuyển vào vị trí nhân viên bán hàng, đừng bao giờ nói với nhà tuyển dụng rằng bạn sợ hoặc kém kỹ năng giao tiếp.

Lỗi chính tả

Đây là một trong những lỗi khá phổ biến đồng thời dễ gây mất thiện cảm của nhà tuyển dụng nhất. Làm công việc bán hàng đòi hỏi bạn phải có kỹ năng giao tiếp, trình bày tốt bằng cả lời nói và văn bản, bao gồm cả việc viết đúng chính tả và không mắc lỗi ngữ pháp.

CV nhiều lỗi chính tả thể hiện ứng viên thiếu sự cẩn thận hoặc không nghiêm túc với công việc ứng tuyển. Hãy cố gắng tránh gặp phải lỗi sai ngớ ngẩn này bằng cách đọc lại ít nhất 3 lần bản CV xin việc bán hàng của mình trước khi gửi nó cho nhà tuyển dụng.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn