Đã rõ lý do Nhật Bản không còn là đất nước sáng tạo nhất thế giới

Ít người biết rằng gậy tự sướng được phát minh ở Nhật từ 20 năm trước. Nhưng khi đó nó được coi là thứ vô dụng.

Trước đây khi nhắc tới Nhật Bản, mọi người hay nghĩ đến một quốc gia với công nghệ phát triển hàng đầu thế giới, có đủ mọi thứ hiện đại nhất ở đây. Nhưng thực tế điều này không còn đúng.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới không còn giữ được sức sáng tạo của mình. Nhật Bản từng là nước đầu tiên tạo ra máy tính bỏ túi, máy nghe nhạc di động Walkman và đèn LED. Nhưng sau đó, họ lại không còn gì tạo ra dấu ấn.

Theo nghiên cứu của McKinsey, những công ty có lợi nhuận lớn nhất Nhật Bản như Sony, Toshiba đang có lợi nhuận thua xa các công ty công nghệ khác từ Mỹ như Apple hay Samsung của Hàn Quốc.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc có hàng trăm startup thuộc hàng “kỳ lân” với giá trị trên 1 tỷ USD thì Nhật Bản lúc này mới chỉ có 3.

Theo chuyên gia Kenji Nonaka từ McKinsey, các công ty Nhật chỉ nổi tiếng được trong khoảng thời gian những năm 80 và 90 của thế kỷ trước. Khi đó các công ty điện tử tiêu dùng thường đi theo hướng làm sản phẩm mỏng hơn, nhẹ hơn. Nhưng lúc này thị trường đã thay đổi, ít công ty cần các “siêu kỹ sư” như trước. Thay vào đó yếu tố quan trọng hơn là phần mềm.

Để thành công hơn trong ngành sáng tạo hiện nay, các công ty cần hiểu khách hàng của mình hơn. Về điều này Nhật Bản đang thua xa Mỹ và càng xa Trung Quốc hơn.

Nhưng một điều khác cũng được ông nhấn mạnh là :”Ở Nhật Bản có rất ít startup, mọi người thích tới làm việc ở các tập đoàn lớn hơn”.

Văn hóa làm việc ở Nhật thường giới hạn sự sáng tạo do mọi người sợ những rủi ro tài chính và từ lâu nay các hệ thống doanh nghiệp vẫn y như cũ. Ngoài ra ở Nhật, những ai làm việc lâu cho một công ty thường được lương cao hơn nên có ít người muốn chuyển việc hơn.

Một yếu tốt khác biệt khiến Nhật Bản không có nhiều startup đó là các công ty ở Nhật mỗi khi cần vốn, họ sẽ tìm tới ngân hàng. Trong khi những cách huy động vốn khác lại ít được quan tâm.

Khác với Mỹ và Trung Quốc, ở những nước này có hàng loạt các nhà đầu tư thiên thần cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Những nhà đầu tư này sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền cho các công ty đổi mới sáng tạo. Có thể họ sẽ thành công nhưng hầu hết những trường hợp còn lại đều có rất nhiều rủi ro và khả năng cao là sẽ thất bại.

Theo giáo sư Sejiro Takeshita của trường đại học Shizouka: “Ở Mỹ, khi bạn sáng tạo ra một sản phẩm mới, bạn rất dễ có được nhân lực và vốn đầu tư, còn ở Nhật với văn hóa sợ thất bại, tất cả các công ty lớn ở đây đều quan trọng yếu tố không hỏng việc hơn là cố gắng để thành công”.

Nhưng nếu tính theo một số liệu khác, Nhật vẫn là một quốc gia sáng tạo. Trong năm 2018, theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Nhật Bản là nước có tỷ lệ số bằng sáng chế trên đầu người nhiều nhất thế giới.

Ngay ở Nhật cũng có nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo tốt. Ví dụ như Preferred Networks. Công ty này hoạt động theo mô hình tương tự các công ty quốc tế như trong văn phòng, trên ứng dụng chat hay email, các nhân viên được khuyến khích dùng tiếng Anh.

Mọi người được thoải mái trình bày các ý tưởng mới và nếu sai thì có thể thử ý tưởng khác.

Nhưng xét cho cùng, dù có thành công ở Nhật Bản và đây không phải là một thị trường nhỏ thì vẫn không thấm vào đâu khi so với thị trường Mỹ hoặc Trung Quốc.

Cũng theo ông Nonaka, các startup Nhật cần nghĩ đến việc phát triển hoạt động tại các nước này ngay khi bắt đầu khởi sự kinh doanh. Ngoài 2 nước trên, các công ty Nhật cũng có thể tìm hướng phát triển sang các nước ở khu vực châu Á để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Startup Nhật khó tìm được vốn đầu tư?

Khi nói đến các nhà đầu tư Nhật Bản, không ai có thể bỏ qua Softbank với 100 tỷ USD được giải ngân qua quỹ Vision Fund. Đây được coi là “ông lớn” đỡ đầu cho Uber, Grab, WeWork…

Nhưng quỹ này lại không đầu tư cho startup nào tại Nhật. Rất ít công ty khởi nghiệp ở Nhật có thể qua được vòng loại hồ sơ của Vision Fund. Yêu cầu bắt buộc là các công ty phải đang ở một giai đoạn nào đó và có thể sớm niêm yết trên sàn.

Nhưng vẫn có những nhà đầu tư khác sẵn sàng hỗ trợ các startup. Nhà sản xuất xe hơi Toyta trong năm 2014 cũng đã đầu tư 101 triệu USD cho một startup để cùng phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot và xe tự lái.

Mục tiêu của các công ty lâu đời khi rót tiền cho startup là để họ có khả năng bứt phá nhanh hơn trong các công nghệ mới. Và cuối cùng, con robot mà startup nhận được vốn tạo ra vẫn phải ghi dòng chữ: "Công nghệ được phát triển bởi Toyota".

TÙNG LINH

Nguồn: Báo BizLIVE