Để khởi nghiệp thành công, phải chẩn được bệnh cho mình

Trong bài viết gửi Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn, ông Trần Hải Bằng, sáng lập vemaybay.com.vn muốn chia sẻ 10 năm kinh nghiệm khởi nghiệp của mình với giới trẻ. Theo ông Bằng, có hàng trăm nẻo khởi nghiệp, chìa khóa thành công nằm trong tay mỗi người nếu chọn đúng thế mạnh của mình.

Sau khi đọc bài viết của một bạn cựu sinh viên Trường đại học Ngoại thương (FTU) tâm sự về khởi nghiệp, tôi cảm thấy rất đồng cảm, chia sẻ với những suy nghĩ của bạn, cũng như tìm thấy lại mình phần nào ở trong đó.

Bài viết với chủ đề “Khởi nghiệp là đập nát cái tôi, không sợ nhục, không sợ ngu” thực sự mang lại nhiều trăn trở cho người đã khởi nghiệp, đang và sẽ khởi nghiệp hoặc thậm chí tái khởi nghiệp.

Bạn trẻ đó đã tự vấn bản thân rất thành thực, rõ ràng, thậm chí có phần hơi cường điệu những khó khăn gặp phải, nhưng nó đúng với tâm trạng của tôi trong những ngày đầu khởi nghiệp dự án vemaybay.com.vn.

Có bạn đọc xong sẽ tự nhủ: “Ừ, đương nhiên sợ nhục thì không sợ rồi, cái tôi thì cũng đã đập nát rồi, nhưng rồi tiếp theo là sao nữa? Sao mình vẫn chưa thành công, kiếm tiền sao khó quá… Vì vậy, tôi muốn chia sẻ thêm suy nghĩ ở cái phần tiếp theo đó, trên cơ sở hơn 10 năm kinh nghiệm khởi nghiệp với nghề bán vé máy bay.

Với tôi, tôi khởi nghiệp cũng đã có chút thành công nho nhỏ. Thành công theo định nghĩa riêng của tôi, đó là mở được một công ty đang ngày càng ăn nên làm ra, có một đội ngũ nhân viên hạnh phúc, vui vẻ và có những đứa con chăm ngoan.

Nói ra điều này, có người sẽ cười và phản biện, cái đó thì đơn giản thôi mà, chắc có triệu người như thế! Họ nói không sai, vì theo tôi biết, chỉ ở khu vực TP.HCM, số người có tài sản giá trị trên triệu USD chắc cũng tới cả vạn, nếu chỉ tính riêng bất động sản. Tài sản của họ có thể đến do kế thừa, có thể do xuất phát điểm gia đình, có thể do may mắn mà có, có thể quá trình kinh doanh lâu đời của gia đình…

Tôi sẽ không bàn về vấn đề đó, mà chỉ nói về kinh nghiệm start-up từ số 0. Chia sẻ này chỉ phù hợp với bạn nào đang mong muốn khởi nghiệp với mức doanh thu khoảng tầm một vài trăm triệu/tháng. Và các bạn cũng lưu ý, nghề bán vé máy bay cũng sẽ làm góc nhìn của tôi bị bó hẹp, giới hạn, do vậy, bạn nên cẩn thận khi ứng dụng cho riêng mình.

Tôi nghĩ rằng, khởi nghiệp là kiếm gì đó làm, bán và kiếm tiền. Đơn giản vậy thôi. Đừng quá sa đà vào việc sáng tạo ra điều gì mới mẻ. Tôi muốn nhấn mạnh chân lý “dưới bầu trời này không có gì mới mẻ!” Hãy suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới. Kiếm điều gì đó thị trường cần, mình thấy phù hợp với hoàn cảnh mà làm. Tùy thời tạo thế. Làm theo cách tốt hơn, cải tiến hơn, cạnh tranh hơn.

Các lợi thế của người trẻ thường là nhanh nhẹn, nắm bắt công nghệ nhanh, nhạy cảm với xu hướng mới. Ở Việt Nam, cách để khởi nghiệp thành công nhanh, giảm thiểu chi phí là dựa vào bán hàng trên Internet.

Chìa khóa khởi nghiệp nằm ở chỗ này, nhưng chưa được chú trọng đúng mức. Bạn làm ra sản phẩm dịch vụ tốt đẹp đến mấy mà không giải quyết được đầu ra thì coi như xong. Internet là nơi giải quyết đầu ra tốt nhất hiện nay, rẻ nhất hiện nay, đơn giản dễ thực hiện nhất, dễ kiểm soát nhất, ít phiền toái nhất. Nên nghiên cứu qua các trang thông tin về marketing, sales online, SEO, facebook… để ứng dụng cho công việc một cách miễn phí và tiết kiệm.

Tôi lại muốn trích dẫn lại bài viết của bạn sinh viên FTU. Đó là: “Sài Gòn nắng như cái chảo lửa, thế mà 12 giờ cũng phi ra đường. Ở nhà thì mất đơn hàng, ra đường thì có tiền, chọn đi! Có mà là 12 giờ đêm cũng xông ra tuốt chứ đừng nói gì là giờ trưa”.

Đã khởi nghiệp, chọn đường làm chủ thì phải chấp nhận thôi. Bạn than thở cũng chẳng ích gì. Chạy long tong ngược xuôi ngoài đường để tiếp thị như bạn là tốt, nhưng thử xem có cách khác không. Có thể để khách hàng tìm kiếm thông tin của bạn, nghiên cứu kỹ lưỡng về dịch vụ, giá cả và sản phẩm công ty của bạn, nếu thực sự có nhu cầu họ sẽ gọi bạn.

Lưu ý là môi trường Việt Nam khác “Tây”. Con người Việt Nam khác “Tây”. Hoàn cảnh cụ thể từng người khác nhau. Bi kịch là lấy công thức nơi khác về áp dụng cho ta. Các start-up ở nước ngoài thường theo mô hình bán công ty kiếm lời, còn ở Việt Nam vẫn là kiếm tiền tháng. Mô hình khác nhau, mục tiêu khác nhau, cách thức sẽ khác nhau nhiều lắm.

Rồi thì các bạn ở nước ngoài có cơ hội tiếp cận lãi suất chỉ tầm 1%-2%/năm, đầy những quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng giải ngân, trong khi chúng ta gần đây mới nhắc đến hệ sinh thái khởi nghiệp – một cụm từ thời thượng cũng chưa rõ nội hàm thế nào. Lãi suất ngân hàng mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh là khoảng 10-12%/năm.

Không hiểu sao, bạn bè tôi gần đây ngày càng trở nên “hoang đường”. Họ nói nhiều về các dự án tỷ đô trên trời dưới đất. Chúng ta không thể bị hút theo ảo ảnh và cách làm của họ. Đó sẽ là sai lầm.

Để khởi nghiệp thành công, trước tiên cần chẩn bệnh cho chính mình, phải giải ngộ (ngộ nhận) về bản thân, trả mình về đúng vị trí thực tại rồi mới bắt đầu được. Khó nhất khi khởi nghiệp là trả lời câu hỏi: làm cái gì phù hợp với hoàn cảnh của mình, và nếu làm mình sẽ cải tiến làm tốt hơn ở điểm nào?

Khát khao là tốt nhưng phương pháp tư duy, phương cách triển khai, thời gian địa điểm với những số liệu luận cứ sắc bén sẽ giúp bạn start-up chắc chắn hơn nhiều. Không gì điều tra nghiên cứu hay bằng tiếp cận đúng người đang làm nghề mình mong muốn, người đang thành công đó sẽ là người dẫn đường tuyệt vời nhất. Hãy lăn xả tiếp cận thực tế, không ngồi nhà hoặc quán cafe tưởng tượng.

Cuối cùng, tôi tin vào vấn đề nhân quả, sự phù hợp của từng cá nhân với từng cá tính trong khởi nghiệp. Có người hợp, người không là lẽ thường cuộc sống. Ai cũng có sự sắp đặt riêng của số phận. Ai cũng làm chủ cả thì ai sẽ là nhân viên? Ai cũng chỉ tay năm ngón thì ai là người thực hiện đây?

Ông bà ta có câu “nghề chọn người, chứ không phải người chọn nghề”, thành ra, đào thải cũng bình thường thôi. Có hàng trăm nẻo đường khởi nghiệp vào đời. Chúc bạn lựa chọn đúng con đường mình đi phù hợp.

Theo khoinghiep.org.vn

Nguồn: Báo DĐDN