7h30 sáng, Huỳnh Chi – nhân viên một công ty săn đầu người (headhunt) có trụ sở trên đường Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) thức giấc. Lần đầu tiên sau gần 1 năm đi làm, Chi không cần có mặt tại công ty. Thời gian trang điểm và di chuyển từ nhà đến công ty, thường kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, vì vậy cũng được cắt giảm.
Đối với Chi, chính sách làm việc tại nhà trong giai đoạn này giải tỏa phần nào lo lắng lây lan dịch Covid-19, đồng thời cho cô khoảng thời gian hiếm hoi để chăm sóc bản thân. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống chưa bao giờ được nhìn nhận rõ ràng như vậy.
Tuy nhiên, những ngày làm việc tại nhà cũng đặt ra câu hỏi lớn về hiệu quả công việc, khi Chi không có người quản lý trực tiếp giám sát và nhắc nhở.
Sức khỏe và sự an toàn của nhân viên là ưu tiên hàng đầu
Từ khi “cuộc chiến” chống Covid-19 bước sang giai đoạn thứ 2, hàng loạt công ty ở nhiều ngành nghề, từ các tên tuổi lớn như Vingroup, Vinamilk, AB Inbev, Nielsen, Tiki… đến các start-up đều chính thức áp dụng hình thức làm việc tại nhà.
Trong lá thư gửi cán bộ, công nhân viên, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk khẳng định, sức khỏe và sự an toàn của họ là ưu tiên hàng đầu. Do đó, doanh nghiệp này cam kết đảm bảo mọi chế độ, quyền lợi của nhân viên nếu họ thấy cần thiết phải làm việc tại nhà.
“Nếu có bất cứ việc không may nào xảy đến với nhân viên chúng ta vì Covid-19, người đó sẽ nhận được sự hỗ trợ từ công ty, lãnh đạo và hàng nghìn đồng nghiệp”, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cũng nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, Nielsen Việt Nam chia nhân sự làm việc tại nhà luân phiên từ ngày 11/3. Đến thứ hai vừa qua, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, hãng nghiên cứu này chính thức áp dụng chính sách làm việc tại nhà cho hầu hết nhân viên.
Bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam chia sẻ: “Con người được đặt lên hàng đầu bởi họ giúp Nielsen tiếp diễn việc kinh doanh hiện tại và tương lai. Vì thế, chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ nhân viên, giảm thiểu rủi ro mà họ có thể đối mặt với virus corona, đồng thời đảm bảo khi có rủi ro xảy ra, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục kinh doanh cho khách hàng và cộng đồng chúng tôi đang hoạt động”.
Mặc dù vậy, một số người lao động vẫn bày tỏ mong muốn được làm việc tại nhà sớm hơn. Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó tổng giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki chia sẻ, công ty cần nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo áp dụng với quy mô lớn mà vẫn vận hành tốt để phục vụ khách hàng, đồng thời tránh gây hoang mang cho nhân viên.
Do đó, khi hơn 1.500 nhân viên khối văn phòng trên toàn quốc của Tiki được làm việc tại nhà từ ngày 15-22/3, ông Gia Khánh khẳng định doanh nghiệp này vẫn hoạt động ổn định.
Nhân viên và quản lý cùng chia sẻ khó khăn
Mặc dù làm việc tại nhà là một trong những giải pháp tối ưu trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, hình thức này vẫn gây ra một số trở ngại. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là tính hiệu quả và năng suất lao động, theo chuyên gia Phạm Việt Anh.
“Công nghệ cho phép cấp quản lý và nhân sự có thể tương tác 24/7, nhưng hiệu quả công việc còn phụ thuộc rất lớn vào tính tự giác và kỷ luật của người lao động, mà rõ ràng những yếu tố này ở lao động Việt Nam vốn chưa được đề cao”, ông nhận định.
Huỳnh Chi cũng xác nhận: “Đến công ty tôi cảm thấy có không khí làm việc hơn, chưa kể ở nhà còn thiếu hệ thống máy tính để bàn và tai nghe lọc âm nên việc liên hệ với khách hàng khó xử lý nhanh gọn”.
Không ít nhân sự quản lý tỏ ra đồng cảm với nhân viên trong giai đoạn này. “Trao đổi công việc qua nhắn tin hay gọi điện khó diễn giải chính xác vấn đề, có khi tôi nhắn tin 15 phút chưa thấy được phản hồi. Nhưng tôi hiểu đây là giải pháp tốt nhất để đảm bảo sức khỏe, nên chúng tôi đang cùng nhau tìm ra cách làm việc hiệu quả nhất”, trưởng phòng chăm sóc khách hàng của một công ty quảng cáo có trụ sở tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ.
Để đảm bảo công việc, chị T. – quản lý truyền thông một doanh nghiệp thương mại điện tử cho rằng cần xác định rõ tư tưởng đang đi làm, chỉ thay đổi địa điểm làm việc. Đồng thời, mỗi người phải lên danh sách công việc trong ngày theo thứ tự ưu tiên, cuối ngày kiểm tra lần cuối.
Với tư cách quản lý một đội ngũ 6 người, chị T. thường xuyên theo dõi công việc và tiến độ của từng cá nhân, từ đó có sự phân bổ phù hợp. Cuộc họp online vào 10h sáng mỗi ngày, theo chị T., không chỉ để cập nhật tình hình công việc, mà còn tạo không khí làm việc từ đầu ngày cho nhóm.
Mặc dù vậy, chị vẫn phải thừa nhận rằng nhóm chị đều là những cá nhân có tính kỷ luật cao. Bên cạnh đó, vì cả nhóm đã chuẩn bị sẵn tinh thần và sao chép đầy đủ dữ liệu vào laptop nên không quá lo lắng về hiệu quả công việc.
Trong khi đó, đối với một công ty toàn cầu như Nielsen, bà Louise Hawley cho rằng không gặp khó khăn. “Chúng tôi có mặt tại hơn 100 quốc gia, làm việc trong môi trường mà hầu hết mối quan hệ đều trên mạng, nên tôi ít khi gặp đồng nghiệp và khách hàng trực tiếp. Bù lại, tôi có những công cụ hỗ trợ tuyệt vời. Làm việc tại nhà vốn là chính sách từ lâu của Nielsen khi nhân viên có nhu cầu nên không sao”, bà nhận định.
Thực tế, theo ông Phạm Việt Anh, dù đây là tình huống bất khả kháng, phần lớn doanh nghiệp áp dụng hình thức làm việc tại nhà đều kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ. Riêng bộ phận sản xuất vẫn duy trì đến nhà máy vì yêu cầu công việc bắt buộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức tiêu thụ nhiều sản phẩm, dịch vụ giảm sút như hiện nay, việc cắt giảm số ca làm việc của công nhân hay giảm năng suất lao động của bộ phận làm việc tại nhà không tác động quá lớn.
“Các chi phí dành cho nhân viên tại văn phòng, nhà máy được cắt giảm, khối lượng công việc cũng không còn như trước, nên doanh nghiệp không cần quá lo lắng. Chứ làm việc tại nhà mà yêu cầu về cường độ công việc như cũ thì rất khó đảm bảo”, vị chuyên gia này nhân định.
Trong tình huống này, ông Việt Anh đề xuất doanh nghiệp thay đổi mô hình từ quản trị theo tiến trình sang quản trị theo mục tiêu. Theo đó, thay vì kiểm tra trực tiếp tiến độ làm việc của nhân viên, họ có thể tin tưởng giao việc và đánh giá nhân viên theo kết quả công việc.
Tuy nhiên, theo ông đánh giá, trừ các công việc cho phép hoạt động độc lập, các vị trí khác cơ bản sẽ quay lại hình thức làm việc tập trung tại văn phòng sau khi dịch bệnh qua đi. Bởi lẽ, "doanh nghiệp cần nhất là sự quy củ, kỷ luật", ông khẳng định.