Trong nỗ lực khôi phục hoạt động kinh tế trở lại bình thường, hàng loạt doanh nghiệp cũng như cửa hàng đã chủ động giảm giá và tung ra các phiếu giảm giá trị giá hàng triệu USD để kích cầu mua sắm.
Hãng bán lẻ GOME Retail Holdings Ltd và Suning.com Co Ltd có kế hoạch phát hành các phiếu quà tặng trị giá hơn 620 triệu nhân dân tệ (88 triệu USD), trong khi nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay của Tập đoàn Alibaba cũng tặng 10 triệu phiếu giảm giá cho 10.000 nhà bán lẻ trên ứng dụng.
Tương tự, công ty thương mại điện tử JD.com Inc cho biết từ ngày 26/3 sẽ phát hành các phiếu quà tặng trị giá 1,5 tỷ nhân dân tệ (212 triệu USD) áp dụng cho các mặt hàng có thương hiệu trong danh mục, trong đó có đồ điện tử.
Thậm chí, giới chức ngành đường sắt cũng vào cuộc để kích cầu du lịch khi áp dụng chính sách giảm tới 45% vé tàu từ ngày 25/3, trong khi các chính quyền địa phương ở các tỉnh Hà Bắc, Chiết Giang và Quảng Tây cũng tặng các phiếu quà tặng áp dụng cho các danh thắng du lịch, rạp chiếu phim và các cửa hàng.
Trong những ngày gần đây, chuỗi cửa hàng càphê Pacific cũng áp dụng giảm giá một số đơn hàng với hy vọng lôi kéo khách hàng quay trở lại nhịp sống thường nhật.
Các chương trình khuyến mại để kích cầu mua sắm cho thấy các doanh nghiệp vẫn lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm giảm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và có thể để lại ảnh hưởng lâu dài.
Theo thống kê của truyền thông địa phương, khoảng 500 rạp chiếu phim đã hoạt động trở lại vào cuối tuần qua sau khi bị đóng cửa gần 2 tháng song doanh thu trong ngày thứ Bảy (ngày 21/3) chỉ đạt 30.000 nhân dân tệ (4.245 USD).
Số liệu của chính phủ cho thấy doanh thu bán lẻ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm 20% trong giai đoạn tháng 1-2/2020 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, ngày 24/3, giới lãnh đạo hãng sản xuất đồ thể thao Nike cho biết khách hàng tại các thị trường trọng điểm ở châu Á đang bắt đầu quay trở lại các cửa hàng của hãng, sau khi hãng này báo cáo doanh thu hàng quý tại Trung Quốc tuy giảm nhưng đã được hỗ trợ nhờ doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh hơn.
Cụ thể, báo cáo của Nike ghi nhận tổng lợi nhuận ròng đạt 847 triệu USD trong quý kết thúc vào tháng 2/2020, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số đó, doanh thu đạt 10,1 tỷ USD, tăng 5% so với cùng giai đoạn của năm 2019.
Nike ghi nhận doanh thu tăng cao hơn ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh, qua đó bù đắp cho sự sụt giảm ở Trung Quốc sau 22 quý tăng trưởng hai con số khi doanh thu của hãng tại thị trường đông dân nhất thế giới này chỉ đạt 1,5 tỷ USD.
Giám đốc điều hành (CEO) Nike John Donahoe cho biết các khách hàng Trung Quốc đã trở lại mua sắm tại những cửa hàng của hãng.
Cảnh tượng này cũng đang bắt đầu diễn ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước đã vượt qua giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất tại mỗi nước.
Theo ông Donahoe, vài tuần tới sẽ là giai đoạn thử thách đối với khu vực Mỹ và châu Âu và hãng không thể dự đoán chính xác giai đoạn ngăn chặn dịch sẽ kéo dài bao lâu ở mỗi nước.
Những kinh nghiệm ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cho họ niềm tin rằng cuộc khủng hoảng này sẽ sớm kết thúc.
Ông cũng cho biết Nike vẫn có kế hoạch ra mắt một số sản phẩm mới trong năm nay có liên quan đến Thế vận hội Olympics, nhưng chúng sẽ được trình làng vào thời điểm thích hợp.
Trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng do COVID-19 tại Trung Quốc, 75% các cửa hàng thuộc sở hữu của Nike đã bị đóng cửa tại đây.
Tuy nhiên, doanh số bán hàng trực tuyến của Nike đã tăng hơn 30% trong giai đoạn các cửa hàng đóng cửa.
Các thị trường khác cũng ghi nhận xu hướng tương tự, trong đó gồm cả Bắc Mỹ, nơi các nhà điều hành cho biết mức tăng đột biến gần như tương đương với mức ghi nhận trong mùa mua sắm lễ hội.
Hiện gần 80% các cửa hàng Nike cùng những cửa hàng liên kết tại nước này đã mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, Nike đã phải đóng cửa tất cả các cửa hàng thuộc sở hữu của họ bên ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong ngày 16/3 do tình hình bệnh dịch phức tạp.
Dựa trên kinh nghiệm tại Trung Quốc, Nike đã phác thảo một kịch bản diễn biến dịch bệnh gồm nhiều giai đoạn, trong đó có một giai đoạn chuyển tiếp trước khi doanh số trở lại mức dự kiến./.