Trong đó, Tiki và Sendo được sáng lập bởi các doanh nghiệp trong nước nhưng không kém cạnh những thương hiệu quốc tế lâu năm. Trong cuộc đua thương mại điện tử, các doanh nghiệp nội đang ngày càng thể hiện bản lĩnh và tự tin đi những bước dài.
Khởi nghiệp chỉ là một nhà sách online, Tiki giờ đây đã trở thành trang thương mại điện tử có lượng truy cập lớn thứ hai tại Việt Nam và bắt tay với hơn 20.000 nhà bán lẻ. Có thể thấy, chiến lược mà các sàn thương mại điện tử đều nhắm đến lúc này chính là dịch vụ chăm sóc khách hàng, tính bảo mật thông tin và chọn lọc hàng hóa chất lượng để phục vụ.
Theo Sendo, sở dĩ sàn này liên tục tăng trưởng là do họ sẵn sàng xây dựng một đội ngũ để nghiên cứu tâm lý tiêu dùng của người Việt. Qua đó, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được nhu cầu thị trường, biết được người dân đang cần gì và mình nên bán cái gì. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ở lĩnh vực thương mại điện tử, việc hiểu tâm lý người tiêu dùng là một chuyện, có giữ được họ ở lại lâu dài hay không lại là chuyện khác.
Thương mại điện tử mới chỉ chiếm khoảng 3% trong ngành bán lẻ ở Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, đây là một mảnh đất rất màu mỡ, nơi các doanh nghiệp vẫn có thể đẩy các giao dịch lên cao hơn nữa. Với những lợi thế vốn có, lại thêm cơ hội tiếp cận nguồn tài chính tốt, các doanh nghiệp nội hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với những "đại gia" ngoại.
Theo VTV9/VTV