Giá dầu thế giới chứng kiến một tuần đi xuống đầy biến động

Mặc dù phục hồi mạnh mẽ trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, song giá dầu thế giới vẫn chứng kiến một tuần đi xuống đầy biến động.

Một cơ sở lọc dầu ở Basra, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Phiên đầu tuần (ngày 4/7), giá tăng giữa những lo ngại về nguồn cung do sự sụt giảm sản lượng, tình hình bất ổn tại Libya và các lệnh trừng phạt đối với Nga do liên quan tới tình hình tại Ukraine.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã bỏ lỡ mục tiêu tăng sản lượng trong tháng Sáu. Trong khi đó, tại Libya, thành viên OPEC, các nhà chức trách cho biết sản lượng dầu giảm 865.000 thùng/ngày, do tình trạng bất ổn. Sản lượng dầu của Ecuador cũng giảm gần 2 triệu thùng, do bất ổn.

Thêm vào những khó khăn về nguồn cung, một cuộc đình công tại Na Uy trong tuần này có thể cắt giảm nguồn cung từ nhà sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu và giảm sản lượng xăng khoảng 8%.

Tuy nhiên, thị trường liên tục đi xuống trong hai phiên giao dịch liền sau đó (5-6/7), để tuột mốc 100 USD/thùng và thậm chí còn chạm mức thấp nhất 12 tuần. Đồng USD mạnh lên và giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng nhu cầu năng lượng có thể bị tác động mạnh nếu xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu đã chi phối đà giảm ủa giá “vàng đen”.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã “yếu đi đáng kể” từ tháng Tư, và bà không loại trừ khả năng xảy ra một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm tới trước những nguy cơ ngày càng gia tăng.

Số vị trí công việc đang tuyển dụng tại Mỹ đã giảm ít hơn dự đoán trong tháng Năm, cho thấy thị trường lao động của nước này vẫn còn thắt chặt, từ đó có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục siết chặt chính sách để kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, thị trường còn lo ngại rằng các biện pháp phòng dịch COVID-19 mới có thể làm giảm nhu cầu.

Tuy nhiên, tới hai phiên giao dịch cuối tuần (7-8/7), thị trường đảo chiều đi lên, khi nhà đầu tư hướng sự tập trung trở lại vào tình trạng nguồn cung bị thắt chặt bất chấp lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu.

Góp phần làm nghiêm trọng thêm tình hình khan hiếm nguồn cung, Mỹ đã siết chặt trừng phạt đối với Iran vào ngày 6/7, gây sức ép với Tehran khi nước này tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và mở rộng xuất khẩu.

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang nâng lãi suất để đối phó với lạm phát, làm dấy lên lo ngại rằng chi phí đi vay tăng cao có thể kìm hãm tăng trưởng, trong khi các ca nhiễm mới tăng mạnh ở Thượng Hải trong tuần này có thể gây ra lo ngại về khả năng phong tỏa trở lại, vốn cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu năng lượng.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 2,37 USD (tương đương 2,3%) lên 107,02 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) cộng 2,06 USD (tương đương 2%) lên 104,79 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu này đều giảm từ đầu phiên rồi sau đó phục hồi từ mức đáy trong phiên. Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm 4,1% và dầu WTI mất 3,4%, sau khi ghi nhận tháng sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2021.

Báo cáo việc làm tại Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này đã tạo ra nhiều việc làm hơn so với dự báo trong tháng 6/2022, một dấu hiệu cho thấy sức mạnh thị trường lao động bền bỉ sẽ khiến Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong tháng này.

Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures Group, nhận định: “Thị trường dầu đang xem báo cáo việc làm như một con dao 2 lưỡi. Số liệu việc làm là tích cực từ góc độ nhu cầu. Về mặt tiêu cực, thị trường lo ngại rằng nếu thị trường việc làm mạnh mẽ, Fed có thể mạnh tay hơn trong việc nâng lãi suất”.

Dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ tăng 2 giàn lên 597 giàn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Giá dầu đã tăng vọt trong nửa đầu năm 2022. Dầu Brent gần đạt mức cao kỷ lục 147 USD/thùng sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung. Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva có nguy cơ gây ra đà tăng giá năng lượng “thảm khốc” đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Nguồn: baotintuc.vn