Giá khí đốt châu Âu giảm sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Đức
Theo sàn giao dịch ICE London (Anh), giá khí đốt tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 15/2 đã giảm xuống còn gần 800 USD/1.000 m3 trong bối cảnh các tuyên bố tích cực về kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Trạm tiếp nhận khí đốt PIG trong hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga ở Lubmin, Đức, ngày 21/9/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, giá khí đốt kỳ hạn tháng 3 tại Trung tâm TTF Hà Lan đã giảm xuống 809 USD/1.000 m3 hoặc tương đương 69 euro/MWh. Mức giảm tổng thể của giá khí đốt từ đầu ngày 15/2 là khoảng 14,5%. Đáng chú ý, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với các đối tác phương Tây về đảm bảo an ninh thông qua các kênh ngoại giao, và Moskva cũng sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine sau năm 2024, nếu có nhu cầu. Cũng theo ông Putin, phía Đức đang tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2”, vốn đã hoàn toàn sẵn sàng hoạt động về mặt kỹ thuật từ cuối năm ngoái.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề Ukraine, phương Tây vẫn quan ngại về nguy cơ gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga đến lục địa này.
Phát biểu với báo giới tại Strasbourg (Pháp) ngày 15/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể đối mặt với khả năng gián đoạn một phần dòng chảy khí đốt nhập khẩu từ Nga, khiến EU phải cân nhắc các kế hoạch dự phòng. Hiện giới chức EU và Mỹ vẫn đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Nga hiện cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu. Trong thời gian gần đây, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt do nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu tăng cao ở các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 hồi năm ngoái. Theo bà Von der Leyen, EU đã thảo luận với Mỹ, Qatar, Ai Cập, Azerbaijan, Nigeria và Hàn Quốc về việc tăng nguồn cung khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), bằng cách hoặc tăng các chuyến hàng bổ sung hoặc trao đổi hợp đồng như Nhật Bản đã nhất trí. Tuần trước, Nhật Bản đã quyết định chuyển hướng một số tàu hàng chở LNG tới châu Âu theo đề nghị của Mỹ và EU, theo đó các chuyến hàng bổ sung sẽ đến châu Âu trong tháng 3. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu LNG lớn trên thế giới.
* Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, giá khí đốt trung bình tại Los Angeles trong ngày 15/2 đã tăng lên 4,772 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít ở Mỹ), mức giá cao nhất từ trước đến nay ở hạt đông dân nhất bang California của Mỹ. Giá khí đốt đã liên tiếp lập đỉnh tại Los Angeles trong 11/12 ngày vừa qua.
Giá khí đốt trung bình tính theo gallon tại Los Angeles, nơi có khoảng 10 triệu dân, hiện đã tăng 9,7 cent so với mức giá cách đây 1 tháng và tăng 1,22 USD so với mức giá cách đây 1 năm. Trong khi đó, California hiện là bang có mức chi phí cho khí đốt trung bình cao nhất ở Mỹ. Mức giá khí đốt trung bình tính theo gallon tại bang này hiện cũng cao hơn 1 USD so với mức trung bình trên cả nước Mỹ.
Giá khí đốt ở Mỹ đã tăng liên tiếp trong năm ngoái. Hôm 14/2 vừa qua, giá khí đốt trung bình tại Mỹ là 3,48 USD/gallon, tăng 18 cent so với mức giá cách đây 1 tháng và tăng 98 cent so với mức giá cách đây 1 năm. Nhu cầu sưởi ấm vào mùa Đông và sự lạc quan về khả năng dịch bệnh COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra giảm dần, đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về khí đốt ở Mỹ.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/gia-khi-dot-chau-au-giam-sau-cuoc-hoi-dam-giua-hai-nha-lanh-dao-ngaduc-20220216121214454.htm