Giá trị Twitter có thể giảm hàng tỷ USD vì đổi tên thành X

Giới chuyên gia cho rằng việc đổi tên Twitter là một cú sốc tài chính, đồng thời xóa bỏ thành quả hơn 15 năm qua của mạng xã hội này.

Việc một thương hiệu phổ biến đến mức trở thành ngôn ngữ hàng ngày đã rất hiếm. Nhưng chủ thương hiệu tự tay xóa bỏ điều đó còn là điều hiếm hoi hơn. Hôm 23/7, Elon Musk thông báo Twitter sẽ đổi tên thành X, logo chim xanh và các từ liên quan, như "tweet", cũng sẽ bị xóa bỏ.

Giới phân tích và các hãng tư vấn thương hiệu cho rằng động thái này có thể khiến giá trị thương hiệu Twitter mất 4-20 tỷ USD. "Họ đã mất hơn 15 năm để phổ biến trên toàn cầu. Xóa bỏ thương hiệu Twitter sẽ là cú sốc tài chính lớn", Steve Susi – Giám đốc Thương hiệu tại Siegel & Gale cho biết.

Theo ước tính của hãng tư vấn Brand Finance, giá trị thương hiệu của Twitter hiện vào khoảng 4 tỷ USD. Thương hiệu Facebook là 59 tỷ USD và Instagram là 47,4 tỷ USD. Đại học Vanderbilt lại cho rằng thương hiệu Twitter có giá 15-20 tỷ USD.

Định giá thương hiệu là việc rất khó và không có cách chung nào. Vì thế, các tổ chức cho ra nhiều kết quả khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và hãng tư vấn đồng tình rằng giá trị thương hiệu Twitter đã giảm đáng kể sau khi về tay Musk. Ví dụ, Brand Finance ước tính mức giảm là 32% kể từ năm ngoái.

Hôm 24/7, logo X trắng đen bắt đầu xuất hiện trên website của Twitter. Tân CEO Linda Yaccarino cũng công bố tầm nhìn cho X là nền tảng tích hợp audio, video, tin nhắn, thanh toán và giao dịch ngân hàng.

Các nhà phân tích và hãng tư vấn thương hiệu gọi việc đổi tên sản phẩm này là một sai lầm. Todd Irwin - nhà sáng lập hãng tư vấn thương hiệu Fazer - cho biết Twitter là một trong những mạng xã hội dễ nhận diện nhất. Logo chim xanh được sử dụng trên khắp các website toàn cầu, bên cạnh logo Facebook và Instagram.

Sự phổ biến của Twitter cũng khiến các động từ như tweet hay retweet trở thành một phần của văn hóa hiện đại, Joshua White – Giáo sư tại Đại học Vanderbilt cho biết.

Việc đổi tên thành X sẽ buộc công ty gây dựng lại văn hóa và hệ thống ngôn ngữ từ đầu. Dù vậy, việc này cũng sẽ giúp người dùng ngừng so sánh Twitter thời Elon Musk với Twitter trước đây. "Việc này cực kỳ hiếm hoi với các doanh nghiệp. Vì đây sẽ là cơ hội thứ hai để tạo được ấn tượng lớn", Yaccarino cho biết.

Việc đổi tên công ty không phải là điều hiếm hoi với các hãng công nghệ. Google đã đổi thành Alphabet để cho phép nhiều mảng cùng tập đoàn phát triển bên cạnh mảng tìm kiếm. Facebook cũng đổi thành Meta Platforms để nhấn mạnh cam kết tham gia vào vũ trụ ảo (metaverse). Tuy nhiên, họ vẫn giữ nguyên tên sản phẩm.

Bên cạnh đó, khi quan điểm về thương hiệu Twitter thay đổi, các khách hàng quảng cáo cũng đang dần rời đi. Họ lo ngại sở thích phát ngôn gây sốc của Elon Musk sẽ phá vỡ quy tắc kiểm duyệt nội dung của Twitter. Musk gần đây cũng thừa nhận doanh thu quảng cáo của Twitter giảm hơn 50% kể từ tháng 10.

"Dù có chữ X hay không, thương hiệu của Twitter giờ phụ thuộc lớn vào thương hiệu cá nhân của Musk. Trong mắt nhiều người dùng và khách hàng quảng cáo, phần lớn giá trị của Twitter đã bốc hơi", Jasmine Enberg – nhà phân tích tại Insider Intelligence cho biết.

Allen Adamson - đồng sáng lập hãng tư vấn thương hiệu Metaforce - nhận xét việc đổi tên là "hoàn toàn bất hợp lý, theo góc nhìn của doanh nghiệp và thương hiệu". Ông gọi đây là quyết định "đậm chất cái tôi của Musk".

Việc này còn đe dọa các mục tiêu tương lai của Musk. Muốn tích hợp thanh toán và giao dịch ngân hàng vào ứng dụng, họ cần niềm tin của người dùng. Đây là điều rất khó với một thương hiệu hoàn toàn mới, White cảnh báo.

Yếu tố duy nhất ủng hộ Musk, theo Irwin, là "thương hiệu Elon". "Tôi thấy thương hiệu cá nhân ông ấy còn mạnh hơn Twitter", Irwin kết luận.

Nguồn: VnExpress