Giới siêu giàu Ấn Độ bị chỉ trích vì quá nhiều đặc quyền

Ngày 7/5, vận động viên cricket Ấn Độ Virat Kohli và vợ anh, nữ diễn viên Bollywood Anushka Sharma, tuyên bố trên mạng xã hội rằng họ đang thiết lập một chiến dịch gây quỹ cứu trợ Covid-19, theo VICE.

Bên cạnh những lời khen ngợi dành cho cặp vợ chồng "vàng" của xứ tỷ dân, một số người nhanh chóng chỉ ra rằng hai vợ chồng hoàn toàn có thể tự quyên góp khoản tiền đó mà không cần sự trợ giúp.

Tổng giá trị tài sản ròng của cặp vợ chồng Virat và Anushka lên đến gần 200 triệu USD. Ảnh: Hindustan Times/Getty Images.

Người giàu càng giàu thêm

Virat và Anushka đặt mục tiêu cho đợt gây quỹ trên khoảng 7 crore rupee (950.000 USD). Bản thân họ đã quyên góp 2 crore rupee (hơn 272.700 USD).

Số tiền sẽ được sử dụng để giải quyết tình trạng thiếu oxy đang diễn ra tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ.

Hiện Ấn Độ đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai kinh hoàng với trung bình gần 400.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

“Chúng tôi thực sự đau lòng khi thấy đất nước lầm vào cảnh như vậy. Chúng tôi đề nghị các bạn hãy cùng tham gia và quyên góp chiến dịch này”, Anushka nói trong một video.

Theo Forbes, Virat, đội trưởng đội cricket quốc gia, là 1 trong 3 vận động viên duy nhất ở đất nước gần 1,4 tỷ dân được ký hợp hợp hạng A+ của quốc gia, đảm bảo mức lương mỗi năm là 1 triệu USD.

Năm 2019, giá trị tài sản ròng của anh là 900 crore rupee (122,5 triệu USD), còn vợ anh, nữ diễn viên Anushka, đạt khoảng 350 crore rupee (47 triệu USD), GQ India đưa tin.

Giả sử giá trị tài sản ròng hiện tại của họ vẫn y nguyên so với năm 2019, hai vợ chồng mới chỉ quyên góp 0,0016% vào quỹ cứu trợ Covid-19.

Đây không phải lần đầu tiên người dân Ấn Độ cảm thấy phẫn nộ trước những hành vi của giới nhà giàu trong bối cảnh đại dịch.

Kể từ tháng 4, một số người nổi tiếng, giới nhà giàu bị chỉ trích vì đi nghỉ dưỡng xa hoa và đăng ảnh check-in, trong khi quốc gia chứng kiến số ca nhiễm virus mới và ca tử vong chạm mốc kỷ lục.

Khung cảnh tang thương do Covid-19 gây ra đang bao trùm cả Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

“Tâm lý của những người dân bình thường đã thay đổi kể từ năm ngoái. Cảnh túng quẫn và bế tắc tài chính kéo dài dẫn đến tình trạng trầm cảm ở tầng lớp trung lưu. Ngay cả những người có tài chính ổn định cũng lo lắng về việc mất việc, phá sản trong tương lai”, nhà tâm lý học Seema Hingorrany nói với VICE.

“Tất cả điều đó đang khiến người dân trở nên tức giận hơn với những ai được hưởng đặc quyền”, cô nói thêm.

Trong khi xu hướng chỉ trích, đấu tranh sự bất bình đẳng về thu nhập, đang gia tăng trên toàn thế giới, sự phân hóa giàu nghèo vẫn đặc biệt nghiêm trọng ở những quốc gia như Ấn Độ.

Theo báo cáo của Oxfam, 10% dân số Ấn Độ nắm giữ tới 77% tổng tài sản quốc gia. Với tổng số 140 người siêu giàu, Ấn Độ là nơi có số lượng tỷ phú cao thứ 3 thế giới.

Hơn nữa, những người giàu lại càng giàu thêm trong đại dịch. Bản báo cáo về Virus Bất bình đẳng của Oxfam cho biết các tỷ phú Ấn Độ tăng tài sản của họ lên tới 35%, tương đương 3.000 tỷ rupee, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nga và Pháp.

Trong khi đó, đợt phong tỏa toàn quốc vào năm 2020 đã kéo theo nạn thất nghiệp tăng mạnh trên toàn Ấn Độ. Kết quả của một nghiên cứu cho thấy cuộc sống của 230 triệu người dân nước này rơi xuống dưới cả mức nghèo khổ.

Đặc quyền của người giàu

Tỷ phú Mukesh Ambani, người đàn ông giàu nhất Ấn Độ và cả châu Á với khối tài sản ròng trị giá 74,8 tỷ USD, hiện sản xuất 11% lượng oxy y tế. Đồng thời, ông cung cấp miễn phí 15.000 tấn oxy.

Thế nhưng, những người siêu giàu như ông vẫn bị chỉ trích vì đã làm quá ít so với những gì họ có thể làm.

Sự đóng góp của tỷ phú Ambani bị đánh giá là quá ít ỏi so với những gì ông có thể làm. Ảnh: Prashanth Vishwanathan/Bloomberg via Getty Images.

Việc người nổi tiếng đang cố gắng thu hút sự chú ý trên toàn thế giới đến cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ là điều đáng mừng.

Thế nhưng, một điều quan trọng cần lưu tâm rằng các hoạt động quyên góp từ thiện cũng là một cách khấu trừ thuế khá hiệu quả.

Khi ai đó quyên góp từ thiện và đang không bị truy cứu hay khởi tố, họ đều có khả năng nhận được miễn trừ thuế. Điều này có nghĩa rằng những người nộp thuế có khả năng lách luật theo một nghĩa nào đó.

“Vì một vài lý do, hoạt động từ thiện của các tỷ phú thường được hiểu là mối quan hệ cá nhân - công chúng. Những người đóng thuế như dân thường có lợi ích hợp pháp trong ciệc đảm bảo các quỹ từ thiện đó sẽ luôn phục vụ lợi ích cộng đồng”, trích bài viết từ The Guardian.

Một số nhà phê bình đã tranh luận rằng điều này biến Ấn Độ trở thành một thiên đường trốn thuế cho các tỷ phú.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những người nổi tiếng gây quỹ từ thiện nên bị cấm. Thế nhưng mọi người cần phải chú ý đến các động lực quyền lực đang diễn ra. Người nổi tiếng thường có nguồn vốn văn hóa và xã hội dồi dào, và không thể không nhắc tới những đặc quyền đặc lợi.

Trải nghiệm về đại dịch của họ không hề giống những người bình thường còn lại, dù có bao lần họ nói rằng “chúng ta đều chung hoàn cảnh”.

Nguồn Zing