Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận trên 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 và đã ghi nhận các trường hợp tử vong.
Riêng Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế tuần từ ngày 8 đến 14/7, ghi nhận 205 trường hợp (tăng 27 trường hợp so với tuần trước), các ca mắc rải rác tại 92 xã, phường, thị trấn (tăng 15 địa phương) của 22 quận, huyện, thị xã.
Một số đơn vị có số ca ghi nhận cao trong tuần như Hà Đông (44 ca), Hoàng Mai (25 ca), Thường Tín (19 ca), Đống Đa (16 ca), Thanh Trì (15 ca). Lũy tích năm 2019 ghi nhận 1.203 trường hợp, hiện trên 90% ca bệnh đã khỏi (1.088 trường hợp), còn 115 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp tử vong.
Trong khi đó theo các chuyên gia y tế bắt đầu từ tháng 8, khi mùa mưa bão đến, dịch bệnh sẽ có khả năng bùng phát nhanh và rộng. Trước tình hình này, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hạn chế dịch bùng phát.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ của giai đoạn 5 năm từ 2014- 2018 và chưa ghi nhận ca bệnh tử vong, tuy nhiên dịch bệnh lại có xu hướng gia tăng nhanh trong các tuần đầu tháng 7 so với các tháng trước.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, theo ông Hạnh, Sở đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã cần chủ động, tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp ngủ nằm màn, phòng trMuaà́nh muỗi đốt...
Ông Hạnh cũng yêu cầu các đơn vị tập trung quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng cũng như đảm bảo tốt nhất công tác khám cấp cứu điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết nhằm giảm nguy cơ tử vong.
"Đồng thời tiếp tục giám sát các yếu tố nguy cơ về bệnh như chỉ số bọ gậy, mật độ muỗi và chủ động giám sát bệnh nhân để kịp thời điều tra xử lý dịch. Hằng tuần Sở Y tế có văn bản gửi các quận, huyện có nguy cơ về dịch bệnh sốt xuất huyết để cảnh báo và khuyến nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch”, ông Hoàng Đức Hạnh cho hay.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế, bên cạnh các hình thức truyền thông qua tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, nói chuyện tại cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc phun hóa chất chủ động phòng chống sốt xuất huyết...
Về ý kiến cho rằng, sử dụng lu đựng nước để phòng chống ngập, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, muỗi sinh sôi, đẻ trứng trong môi trường nước sạch, do đó, các vật chứa nước phải được đậy kín để muỗi không xâm nhập được. Ngay cả những bể nước inốc được hàn kín và có vòi thông hơi cũng phải dùng vải màn bịt kín. Do vậy, lu hoặc chum vại thông thường để đựng nước thì rất khó khăn trong việc đậy nắp kín, và sẽ là môi trường để muỗi sinh sôi và phát triển dịch bệnh.