Hàng loạt chuỗi F&B đóng cửa nhiều nhà hàng

Sau 2 đợt dịch Covid-19, thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) tại Việt Nam vốn đã cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng, nay lại bị tiếp một cú “đấm bồi” khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát. Nhiều cá nhân, cửa hàng và cả chuỗi F&B phải tạm đóng thêm một vài nhà hàng, trả lại mặt bằng, nhượng quán.

Nhiều "ông lớn" đuối sức

Mới đây nhất, ngày 9/3, chuỗi thương hiệu Sumo Yakiniku thuộc Golden Gate phải thông báo dừng hoạt động một điểm kinh doanh tại cơ sở Huỳnh Thúc Kháng. Tính đến nay, Sumo Yakiniku đã 2 lần đóng cửa hàng. Trước Sumo Yakiniku cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, thương hiệu thịt nướng Nhật Bản này cũng đóng cửa cơ sở Royal City vào tháng 3/2020, hiện Sumo Yakiniku chỉ còn 7 cửa hàng tại Hà Nội.

Ngoài Sumo Yakiniku, Vuvuzela cơ sở Hoàng Đạo Thúy cũng thông báo tạm ngưng hoạt động đến ngày 26/3 để nâng cấp dịch vụ.

Cùng cảnh ngộ, Tokyo Deli, thương hiệu nhà hàng Nhật Bản cũng vừa thông báo đóng cửa thêm 1 cơ sở tại Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội) sau 3 năm hoạt động. Trước đó, vào tháng 6/2020 thương hiệu này đã dừng hoạt động cơ sở D2 Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội) vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Một nhà hàng Tokyo Deli ở Hà Nội treo biển thông báo chấm dứt hoạt động. Ảnh: Thanh Thương.

Ông Hoàng, nhân viên bảo vệ tòa nhà tại Ngụy Như Kon Tum cho biết nhà hàng này đóng cửa đã khoảng 1 tháng nay. "Dịch bệnh, khách hàng thưa thớt, nhà hàng không trụ nổi phải đóng cửa, trả mặt bằng", ông nói.

Tương tự, sau Tết Nguyên đán 2021, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ Soya Garden cũng tiếp tục đóng thêm một số cơ sở tại Hà Nội. Hiện, Soya Garden cơ sở Giang Văn Minh đã dỡ biển hiệu và thông báo cho thuê mặt bằng, còn Soya Garden cơ sở Hapulico thông báo tạm ngừng hoạt động để bảo trì hạ tầng và chưa hẹn ngày mở cửa.

Thời điểm tháng 5/2020, thương hiệu này có 18 cửa hàng tại Hà Nội nhưng sau gần 1 năm, Soya Garden chỉ còn 9 cửa hàng đang hoạt động.

Không chỉ vậy, theo khảo sát của Zing, hàng loạt các tuyến phố tập trung nhiều nhà hàng phục vụ du khách nước ngoài như Nguyễn Thị Định, Trung Hòa (Cầu Giấy), hay khu đô thị Mỹ Đình, (Nam Từ Liêm) cũng đồng loạt đóng cửa, một số nhà hàng mở cửa nhưng đều trong tình trạng ế ẩm, vắng khách.

Đánh giá về thực trạng trên, ông Hoàng Tùng, chủ thương hiệu Pizza Home, chia sẻ tình hình dịch bệnh đã khiến thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi rất nhiều. "Doanh nghiệp F&B đặc biệt những doanh nghiệp đi theo xu hướng đầu tư lớn vào cơ sở vật chất nhưng sản phẩm không phù hợp đều chịu ảnh hưởng rất lớn trong thời gian qua", ông nói.

Sau 3 đợt dịch, Pizza Home phải đóng hơn một nửa số cửa hàng, tuy nhiên theo chủ thương hiệu này, nhờ vậy mà ông thuê được thêm các mặt bằng khác tốt hơn. "Số lượng cửa hàng bị giảm đi hơn một nửa, nhưng chất lượng trên từng điểm bán tốt hơn rất nhiều do hoạt động tinh gọn hơn và tối ưu hơn về mặt chi phí", ông chia sẻ.

Thay đổi để tồn tại

Covid-19 được xem là một phép thử đối với nhiều doanh nghiệp F&B, không ít thương hiệu lớn đã không thể thoát được khỏi vòng xoáy thua lỗ, đóng cửa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp lựa chọn thay đổi để thích nghi.

Thực tế, việc xoay xở qua phương thức phục vụ tại nhà thay vì thu hút khách tới quán đã giúp nhiều nhà hàng, cửa hàng sống sót qua đợt dịch lần 3 này.

Từ đợt dịch năm ngoái, quán lẩu nướng của anh Nguyễn Hùng (Đống Đa, Hà Nội) đã nhanh chóng triển khai thêm hình thức phục vụ ship tận nhà miễn phí. "Nhờ đẩy mạnh mô hình này mà quán mới có thể duy trì đến nay", anh nói.

Theo anh, khâu chuẩn bị, đóng hàng các dụng cụ bếp, nồi, bát đĩa khá phức tạp nhưng anh Hùng phải cố gắng thay đổi, thích nghi để kiếm khách.

Việc đẩy mạnh bán hàng mang về thay vì thu hút khách tới quán đã giúp nhiều nhà hàng, cửa hàng thoát được khỏi vòng xoáy thua lỗ, đóng cửa. Ảnh: G.Q.H

Các thương hiệu lớn cũng nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai dịch vụ giao hàng để phù hợp với nhu cầu thị trường. Trao đổi với Zing, bà Đoàn Thư, CEO chuỗi nhà hàng Vua Cua cũng cho biết qua đợt dịch lần 3 này, những đơn vị F&B có định vị khách thu nhập khá trở lên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì khách hàng sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. "Từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều chuỗi, cửa hàng lẻ đổi chủ hoặc đóng cửa", bà dự đoán.

Theo bà, hiện nay các chuỗi nhà hàng kinh doanh F&B phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. "Chúng tôi sẽ xây dựng mô hình Vua Cua express để phục vụ đơn mang đi kết hợp hệ thống đặt món trực tuyến với mức giá tốt hơn cho khách hàng", bà chia sẻ.

Vẫn là định vị cũ nhưng sẽ giúp khách hàng ăn món của Vua Cua rẻ hơn trung bình chỉ từ 200.000-250.000 đồng/người thay vì trước đây từ 400.000 đồng/người trở lên. "Chúng tôi đang hoạt động cùng dịch chứ không coi dịch là khó khăn nữa", bà Thư khẳng định.

Tương tự, đại diện Golden Gate cũng cho biết sau nhiều đợt dịch, Golden Gate cũng như nhiều doanh nghiệp F&B khác nhìn chung cũng đã có những bước chuyển mình và ứng phó nhanh bằng nhiều kịch bản khác nhau.

Sau khi đóng cửa một số cửa hàng có doanh thu thấp, đơn vị này tìm cách vượt qua khó khăn bằng việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ G - Delivery, giao hàng tận nhà với các combo nướng lẩu, các sản phẩm chế biến sẵn.

Theo ông Hoàng Tùng, hiện nay khách hàng tách làm 2 tệp: Trải nghiệm và tiện lợi. Việc xây được mô hình kinh doanh trong lĩnh vực F&B tạo được trải nghiệm tốt cho khách hàng thời gian qua có những thương hiệu đã làm rất tốt. Tuy nhiên, việc theo đổi mô hình trải nghiệm phải tạo được mong muốn khiến khách hàng quay đi quay lại trải nghiệm nhiều lần mới hiệu quả.

Xu hướng thứ 2 là tiện lợi, đó là xu hướng khách hàng dịch chuyển đặt đồ ăn qua các ứng dụng. Đây là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà bùng nổ trên thế giới trong suốt vài năm qua. Tại thị trường Việt Nam, xu hướng này tăng trưởng khoảng 30%/năm và có giá trị hơn 200 triệu/USD trong năm qua. "Việc tiết chế mô hình, thậm chí chuyển đổi mô hình để tận dụng kênh bán hàng cả Offline và Online là hướng đi khôn ngoan trong thời gian tới", ông nói thêm.

Nguồn Zing: https://zingnews.vn/hang-loat-chuoi-f-b-dong-cua-nhieu-nha-hang-post1191381.html