Những nhu cầu mới của du lịch cao cấp sau đại dịch
Do ảnh hưởng của 'cơn bão' Covid-19, khái niệm xa xỉ khi đi du lịch giờ đây là những khu nghỉ biệt lập, thân thiện với môi trường và các trải nghiệm hoàn toàn riêng tư...
Nếu ở giai đoạn đầu của đại dịch, hoạt động của một doanh nghiệp du lịch chỉ bao gồm việc đặt chỗ hoặc hủy và hoàn tiền cho khách hàng, thì khi việc tiêm chủng vaccine trở nên phổ biến, mọi hoạt động bình thường đang dần trở lại. Trên khắp thế giới, những đại lý lữ hành đều đang quá tải với lượng khách hàng tăng đột biến. Du khách liên hệ đặt lịch rất sớm, thậm chí ngay sau khi chỉ mới tiêm mũi vaccine đầu tiên.
NHỮNG NHU CẦU CỦA GIỚI NGƯỜI GIÀU
Tuy nhiên, khi làm việc với khách hàng khá giả luôn đi kèm với các tiêu chuẩn cao và tốn kém nhiều thời gian. Ngành công nghiệp du lịch bị thu hẹp trong thời gian đại dịch do nhu cầu giảm, nhưng sự tăng trưởng đột ngột khi các quy định giãn cách được nới lỏng khiến các đại lý, doanh nghiệp lữ hành phải vật lộn với các vấn đề về nguồn cung.
Nhiều khách sạn gặp khó vì thiếu nhân viên. Các hãng hàng không thường xuyên hủy chuyển, thay đổi hành trình. Việc đặt một chuyến bay nội địa trở nên rủi ro, đường bay quốc tế lại càng khó khăn hơn. Thêm nữa, một số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã mở cửa trở lại nhưng các điểm đến hoặc khu nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục đóng. Nhiều khu nghỉ dưỡng đã hoạt động nhưng họ lại tạm ngưng dịch vụ cho trẻ em hoặc spa. Những thay đổi chính sách mới của các quốc gia và bảo hiểm du lịch cũng khác đi…
“Tôi và các đồng nghiệp liên tục phải nhắn tin cho nhau để kiểm tra những thay đổi này”, India Wilkinson, một đại lý du lịch chuyên tổ chức tour cho giới thượng lưu Los Angeles (Mỹ) cho biết. Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch của nhóm giàu nhất thế giới không chậm lại trong đại dịch, thậm chí tăng mạnh với những yêu cầu đặc biệt, tốn kém hơn. Họ đang chi trả nhiều hơn bao giờ hết để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất.
Tại châu Âu và châu Á, các điểm glamping độc, lạ đang được du khách săn lùng.
“Những dãy phòng dành cho tổng thống và các biệt thự hàng đầu, du thuyền, máy bay tư nhân đều đã kín chỗ đặt. Số lượng chỗ trống còn lại rất hạn chế, đặc biệt là chuyến bay từ New York (Mỹ) tới Aspen (Thụy Sĩ) vào tháng 12”, Erica Jackowitz, đồng sáng lập Công ty Roman & Erica chuyên dành cho những người rất giàu có, cho biết.
Đối với nhiều khách hàng, họ chi tiền mua thay vì tranh giành chỗ thuê dịch vụ xa xỉ. “Mọi người đang mua du thuyền, máy bay tư nhân và ngôi nhà thứ hai, thứ ba hay thứ tư thay vì thuê chúng,” Erica nói. Những người giàu có cho đến nay đã chi hơn 1 tỷ bảng Anh cho các siêu du thuyền vào năm 2021 để tìm cách thoát khỏi tình trạng phong tỏa và hạn chế đi lại vì Covid. Tạp chí Boat International cho biết mức tăng này dự kiến đánh dấu năm 2021 trở thành năm có doanh số bán thuyền cũ lớn nhất.
Còn tại châu Âu, các điểm glamping độc, lạ đang được du khách săn lùng. Loại hình du lịch "glamping" nổi lên trong đại dịch Covid-19 - ghép từ "glamorous" và "camping" trong tiếng Anh – có nghĩa là cắm trại kiểu sang trọng, cao cấp và gắn với các hoạt động ngoài trời. Ví dụ như Nea Moudania, Hy Lạp, nơi có những căn lều có hình dạng "bong bóng" mang lại những trải nghiệm ngoại hạng. Hay Vipava Valley, Slovenia với điểm nhấn của những căn nhà giữa rừng cây là phòng xông hơi khô và tầm nhìn ra một thung lũng có những vườn nho mênh mông, nơi sản xuất những loại rượu vang hảo hạng…
Nhu cầu du lịch của nhóm khách hàng thượng lưu không chậm lại trong đại dịch, thậm chí tăng mạnh với những yêu cầu đặc biệt, tốn kém hơn. Họ đang chi trả nhiều hơn bao giờ hết để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất.
Tại Trung Quốc, Công ty du lịch trực tuyến hàng đầu Trip.com cho biết các yêu cầu đặt chỗ cho chuyến đi "glamping"đã gia tăng 50% kể từ tháng 6. Người tiêu dùng vô cùng hưởng ứng mô hình "cắm trại xa xỉ" đem lại trải nghiệm kết hợp giữa một khách sạn cao cấp và lối sống gần gũi với thiên nhiên. Trước xu thế này, các công ty lữ hành Trung Quốc đua nhau cung cấp các chuyến đi và khu trại ở Thượng Hải, Cam Túc... với các hoạt động tùy theo mùa.
DỊCH VỤ LƯU TRÚ XA XỈ TẠI VIỆT NAM
Một nghiên cứu của Outbox Consulting chỉ ra rằng khoảng chục năm lại đây, hàng loạt khu nghỉ dưỡng hạng sang, đẳng cấp quốc tế được mở ra tại Việt Nam. Đại dịch Covid-19 bùng phát, khách quốc tế không thể đến Việt Nam bằng đường không, khách du lịch nội địa là thị trường duy nhất khách được tận hưởng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, dịch vụ ăn uống cao cấp và chăm sóc sức khỏe.
Sự dịch chuyển này là phù hợp khi tầng lớp trung lưu, giàu có gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Theo dữ liệu từ báo cáo Wealth Report 2021 của công ty tư vấn Knight Frank, năm 2020, Việt Nam có 19.419 triệu phú USD, đứng thứ tư Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Do việc du lịch ra nước ngoài bị đình trệ trong thời kỳ đại dịch, nhiều resort cao cấp đã tận dụng cơ hội này để nhắm đến đối tượng khách nhà giàu Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của họ về sự riêng tư, thoải mái, an toàn (tránh xa đám đông du lịch thông thường). Chẳng hạn, năm 2020, trong khi nhiều resort liên tục phải đóng cửa để phòng chống dịch, thì khu nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay lại đón nhiều khách nhất từ trước đến nay. Nhờ đó, khu nghỉ dưỡng sang chảnh này thu về 9 triệu USD năm 2020, lãi hơn 3 triệu USD.
Nhiều resort cao cấp đã hướng đến đối tượng khách nhà giàu Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của họ về sự riêng tư, thoải mái, an toàn.
Hay như tại TP.HCM, nhu cầu du lịch tại chỗ (staycation) sau 4 tháng ở nhà của nhiều người là động lực đầu tiên giúp ngành khách sạn ở thành phố vực dậy. Khi các quy định giãn cách được nới lỏng từ ngày 1/10, Traveloka và iVIVU.com đều bắt đầu ghi nhận lượng đặt phòng khách sạn tăng lên đáng kể. Nhiều khách sạn dự báo, trong ngắn hạn sẽ có nhiều người chọn du lịch tại chỗ với các gói staycation mức giá hấp dẫn kèm nhiều tiện ích bổ sung như nâng cấp hạng phòng miễn phí hoặc nhận phòng sớm.
Nêu quan điểm về định hướng phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo Sun Group ở miền Trung phân tích: điểm mấu chốt để thu hút du khách ở thời điểm hậu Covid-19 là các giải pháp đảm bảo an toàn và sản phẩm dịch vụ hướng tới những nhu cầu mới.
"Những gói trải nghiệm hướng tới chăm sóc sức khỏe theo xu thế wellness đang dẫn dắt thị trường du lịch thế giới. Xu thế này này hứa hẹn mang tới những trải nghiệm khác biệt, đáp ứng nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe sau thời gian dịch bệnh", ông Bình nhận định.
Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia du lịch - hàng không, cho hay, trong ngành du lịch Việt Nam, phân khúc du lịch cao cấp gần đây bắt đầu được để ý và trong giới đầu tư du lịch đã có những cuộc trao đổi nghiêm túc. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng du khách khó chiều nhất.
Ông Lương Hoài Nam cho rằng Việt Nam sẽ phải làm rất nhiều việc đồng bộ để thu hút được đối tượng khách siêu giàu này. Ví dụ, làm sao để khách quyết định chọn đến Việt Nam đầu tiên, thay vì các nước khác, hay cần làm gì để biến Việt Nam thành điểm đến du lịch siêu sang như Địa Trung Hải, Caribe...
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group - đơn vị chuyên kinh doanh du thuyền 5 sao - khẳng định du lịch khép kín có thể đưa dịch vụ nghỉ dưỡng du thuyền lên ngôi. Quy trình đưa đón tận nơi và trải nghiệm khép kín trên du thuyền giúp đảm bảo an toàn, ít tiếp xúc. Đơn vị này cũng đã nhận được nhiều yêu cầu đặt chỗ từ đầu tháng 11 tới.
Nguồn: vneconomy.vn