Trung Quốc những ngày qua chao đảo vì các diễn biến mới nhất trong thương chiến mới với Mỹ và tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng ở Hong Kong.
Nhưng cũng như nhiều thời điểm trong quá khứ, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tìm tới sự hỗ trợ của cộng đồng trực tuyến khi đám mây địa chính trị u ám bao trùm.
"Không có lệnh cấm, nhưng chính phủ Trung Quốc chỉ cần 'đánh tiếng', sau đó các phương tiện truyền thông nhà nước sẽ đưa ra những thông báo nhất định và các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mất dần thị phần", ông Gerardo Zamorano, Giám đốc Bộ phận đầu tư tại Brandes Investment Partners cho hay.
Hàng loạt các thương hiệu toàn cầu, từ Versace cho tới Calvin Klein những ngày gần đây liên tục phải đưa ra lời xin lỗi sau khi đội quân "anh hùng bàn phím" Trung Quốc kêu gọi tẩy chay sản phẩm của họ bởi các tuyên bố nói rằng "Hong Kong là một quốc gia".
Theo ông Andrew Polk, đồng sáng lập Công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, người tiêu dùng Trung Quốc từng chứng minh sức ảnh hưởng của mình trong việc thúc đẩy thay đổi các vấn đề trong nước như sữa bị nhiễm độc hay vaccine không đạt tiêu chuẩn. Các vấn đề chính trị cũng áp dụng công thức tương tự. Chỉ cần vài người nhóm lên ngọn lửa giận dữ, đám đông sẽ hưởng ứng và đồng loạt tẩy chay để chứng minh tinh thần dân tộc.
Các thương hiệu toàn cầu hơn ai hết là những người nắm được rõ nhất tinh thần này. Ngay cả những công ty không bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Trung Quốc cũng không tránh khỏi cơn phẫn nộ của người dân đất nước chiếm tới 1/3 doanh số bán hàng xa xỉ của các công ty toàn cầu.
Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) trở thành mục tiêu công kích dữ dội sau khi xuất hiện thông tin khẳng định công ty này bày tỏ quan điểm ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Dù PwC khẳng định thông tin này là sai trái, các "anh hùng bàn phím" của Trung Quốc vẫn không chịu buông tha cho họ.
Nhưng không chỉ với vấn đề Hong Kong, người Trung Quốc nhạy cảm với bất cứ vấn đề nào mà họ cảm thấy chạm tới lòng tự tôn dân tộc.
Hồi tháng 6, một nhà kinh tế tới từ UBS Group AG, ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ bị người dùng mạng xã hội Trung Quốc "ném đá" dữ dội vì cụm từ "lợn Trung Quốc" ông dùng trong báo cáo về tác động của dịch cúm lợn. Ngân hàng Thụy Sỹ sau đó phải công khai xin lỗi để xoa dịu tình hình.
Nhiều công ty khác cũng nơm nớp lo sợ lọt vào tầm ngắm của cộng đồng mạng Trung Quốc khi chiến tranh Mỹ-Trung tiếp tục leo thang.
"Tôi cho rằng mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn với các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, đặc biệt là các công ty Mỹ", chuyên gia Julian Evans-Pritchard tới từ Trung tâm tham vấn kinh tế Capital Economics nhận định.
Versace, thương hiệu đình đám thuộc sở hữu của Tập đoàn Capri Holdings có trụ sở ở New York cuối tuần trước phải lên tiếng xin lỗi vì những chiếc áo phông in thông điệp nói Hong Kong và Macau là 2 quốc gia. Hãng này hứa sẽ tiêu hủy toàn bộ các sản phẩm gây tranh cãi.
Thương hiệu Coach thuộc sở hữu của công ty Tapestry có trụ sở tại New York hôm 12/8 gặp phải rắc rối tương tự vì thiết kế mới nhất của hãng in các dòng chữ được cho liệt kê Đài Loan và Hong Kong như những "quốc gia riêng biệt".
Givenchy, nhãn hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp cũng tự ném mình vào giông bão vì các sản phẩm không liệt Hong Kong và Đài Loan như các phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, những gì Versace, Coach hay Givenchy đang hứng chịu còn kém xa làn sóng tẩy chay mà các tập đoàn Hàn Quốc như Hyundai Motor, Lotte... khi căng thẳng song phương giữa Seoul và Bắc Kinh nổ ra năm 2017. Nhiều tập công ty Hàn Quốc sau đó buộc phải cân nhắc thu hẹp quy mô hoạt động hoặc thậm chí rút khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính phủ Trung Quốc luôn đánh giá tình hình và có biện pháp ngăn chặn kịp thời nếu thấy mọi thứ có dấu hiệu vượt quá tầm kiểm soát.
(Nguồn: SCMP)