Hoạt động sản xuất châu Á ghi nhận tín hiệu tích cực
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng hoạt động sản xuất châu Á trong năm nay lên 4,5%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra sáu tháng trước.
Các số liệu vừa được Liên đoàn Hậu cần và Mua hàng Trung Quốc (CFLP) công bố cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất toàn cầu đã giảm xuống mức 49,9 trong tháng 4 - biểu thị sự thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành sản xuất châu Á vẫn được coi là điểm sáng, khi ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Theo Liên đoàn Hậu cần và Mua hàng Trung Quốc (CFLP), hoạt động sản xuất của châu Á đã duy trì tốc độ phục hồi vừa phải trong tháng 4. Chỉ số PMI sản xuất châu Á trong tháng 4 đạt mức 51,5 - đánh dấu tháng mở rộng hoạt động thứ hai liên tiếp. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á là những nền kinh tế nổi bật hơn cả.
Ông Xu Hongcai - Phó Giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế, Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc cho biết: "Hiện tại, ngành sản xuất toàn cầu vẫn trên đà hồi phục nhẹ nhưng diễn biến không cân bằng. Châu Á có thành tích vượt trội. Các ngành công nghiệp của các nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam đã có kết quả hoạt động rất mạnh mẽ".
Trước đó, các dữ liệu của S&P Global cũng cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất tại các nước ASEAN đã có tháng thứ tư liên tiếp ở trên ngưỡng 50, biểu thị sự mở rộng hoạt động. Các nhà sản xuất kỳ vọng, sản lượng sẽ tiếp tục tăng trong vòng 12 tháng tới.
Bà Maryam Baluch - Chuyên gia kinh tế, S&P Global Market Intelligence cho biết: "Ngành sản xuất của ASEAN vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vào đầu quý II/2024. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn, cho thấy xu hướng nhu cầu tiếp tục cải thiện. Tăng trưởng sản lượng nhìn chung vẫn mạnh, dù tốc độ tăng có chậm lại đôi chút".
Theo các chuyên gia, kể từ đầu năm nay, kinh tế châu Á vẫn đang phục hồi với tốc độ vừa phải, dù vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, xuất phát từ chính sách tài chính và tiền tệ của các nước, đà tăng trưởng nhu cầu tương đối yếu và xung đột địa chính trị. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng khu vực trong năm nay lên 4,5%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra sáu tháng trước, trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo mức tăng trưởng 4,9% trong cả năm.
Nguồn: VTV