Hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên – những thử thách mới

Hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên – những thử thách mới

Tình trạng thừa thầy thiếu thợ, mất cân đối nhân lực giữa ngành này và ngành khác, học một đằng làm một nẻo, trái ngành, trái nghề khiến công việc không hiệu quả gây lãng phí trong đào tạo... đang khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Trước thực trạng đó, câu hỏi được đặt ra “Phải xác định hướng nghiệp như thế nào mới là phù hợp?”.

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng là người tư vấn và đồng hành trong việc hướng nghiệp cho con.

Bi kịch của những tấm bằng đỏ

Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân kinh tế loại khá, Nguyễn Hoàng Long (TP Thanh Hóa) tự tin sẽ có một công việc văn phòng như ý muốn. Tuy nhiên, việc tuyển dụng ngày càng khó khăn nên Long đành nộp hồ sơ tạm thời vào một siêu thị điện máy với công việc là nhân viên bán hàng. Sau một số lần đi dịch vụ xe ôm của Grab, nghe các tài xế kể làm ăn được lắm, mỗi tháng ít nhất chục triệu, nên Long bỏ việc để bắt đầu nghiệp xe ôm. “Hồi mới chạy, tài xế còn ít nên mỗi ngày trừ hết chi phí em còn được 500.000 đồng. Nhưng nay đông rồi, thu nhập chỉ còn khoảng hơn 300.000 đồng. Tính ra đi làm bán hàng cũng chỉ được 4 - 5 triệu đồng/tháng, cuối tháng mới được lãnh. Trong khi chạy xe ôm lãnh hằng ngày, mà không bắt buộc phải làm 8 tiếng/ngày, có sức thì chạy 12 tiếng, lúc nào mệt thì tắt mạng nghỉ ngơi một lúc rồi chạy tiếp, mọi thứ do mình chủ động. Nhờ mức thu nhập đấy mà lương của em còn cao hơn rất nhiều bạn bè cùng lớp đi làm đúng ngành đúng nghề” - Long thành thật nói.

Trước thực tế nhiều người ra trường cố bám trụ ở các thành phố, nhưng sau thời gian “dài cổ” không tìm được công việc phù hợp, hay mức lương quá bèo không đủ chi phí, nhiều cử nhân đành ngậm ngùi “gác” bằng, xin làm công nhân tại các khu công nghiệp. Đó là câu chuyện của Trịnh Thị Huyền (quê Yên Định, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành lịch sử). Sau khi tốt nghiệp đại học, hơn một năm chật vật tìm việc, nhưng vẫn thất nghiệp, Huyền theo bạn xin làm công nhân tại khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Huyền chia sẻ: “Khi nộp hồ sơ ở một công ty may, chị cán bộ tuyển dụng hỏi có biết vi tính không, em thật thà trả lời là có. Chị ấy nhìn vào hồ sơ, thấy trình độ đại học, lại bằng đỏ hẳn hoi, thì lắc đầu: “Bằng này mà làm công nhân thì phí quá”, rồi bảo sẽ gọi lại sau”. Đến 1 tháng sau, không thấy công ty gọi, trong khi những người nộp hồ sơ cùng cô đã lần lượt đi làm. Biết không trúng tuyển, Huyền nộp hồ sơ qua công ty khác. Tuy nhiên, cũng không khá khẩm hơn. Tưởng rằng có bằng cử nhân sẽ dễ dàng xin làm công nhân, nhưng thực tế tại nơi mà bằng cử nhân không được coi trọng thì không dễ dàng bởi các nhà tuyển dụng có những tuyệt chiêu để loại các cử nhân. Theo Huyền, một trong những bí kíp giúp cử nhân được tuyển dụng là không được hé lộ thân phận đã tốt nghiệp đại học của mình. Bởi có nhiều công ty ghi rõ không tuyển dụng người tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Để vượt qua vòng nộp hồ sơ, phỏng vấn, nhiều người đành ngậm ngùi giấu bằng đại học để xin việc. “Tổ em có 8 người mà có đến 3 người tốt nghiệp đại học”, Huyền nói.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I-2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có 1.059.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng là hơn 65.000 người, trung cấp là 52.700 người, đại học là hơn 124.000 người. Tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp là vấn đề “nóng” trong nhiều năm trở lại đây. Bấp bênh hoặc không xin nổi việc dựa vào bằng cấp, nhiều cử nhân phải bươn chải đủ mọi công việc để mưu sinh. Như vậy, có rất nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp nhưng lại làm một ngành nghề không tương xứng với bằng cấp dẫn đến thiếu kiến thức chuyên sâu, thiếu kinh nghiệm thực tế, mức lương thấp, cơ hội thăng tiến không nhiều. Có nhiều người xem công việc làm trái ngành nghề là giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”, chờ một thời gian cho đến khi tìm được công việc làm đúng ngành. Tuy nhiên, phần lớn đều ngày càng “lún sâu” vào công việc đó mà quên đi định hướng, mục đích ban đầu của mình. Thực trạng này dẫn đến sự hoang mang không những cho sinh viên sắp ra trường mà còn ảnh hưởng đến cả những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, bởi chọn đúng ngành, vào đúng trường chưa chắc có việc làm phù hợp cho tương lai. Và câu hỏi đặt ra là “Đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công?”.

Hướng nghiệp – những thử thách mới

Hiện nay công tác hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên đã được chú trọng, song vẫn còn nhiều hạn chế. Ở các trường THPT, việc hướng nghiệp gần như chỉ thực hiện nội dung tư vấn tuyển sinh. Trong các buổi hướng nghiệp, việc trao đổi giữa học sinh và các chuyên gia tư vấn chỉ xoay quanh vấn đề chọn khối nào? chọn trường nào? Những hoạt động hướng nghiệp gần như là cho phép một cơ sở đào tạo nào đó đến “tư vấn” nhưng thực chất chỉ là giới thiệu về trường và các ngành đào tạo, phục vụ cho việc tuyển sinh của cơ sở đó. Về phía gia đình, nói một cách công bằng, cha mẹ nào cũng lo lắng cho con ở giai đoạn chuyển tiếp này. Gia đình nào cũng mong con mình tốt nghiệp sẽ có một tương lai tươi sáng. Nhưng tựu chung vẫn theo xu hướng bố mẹ hướng con cái theo một ngành nghề nào đó mà họ mong muốn, để rồi nhồi nhét kiến thức, bằng mọi giá để con mình đậu đại học. Còn với các em học sinh thì chọn ngành nghề theo mong muốn của gia đình, hay theo xu hướng số đông, theo bạn bè. Với cách hướng nghiệp như vậy dẫn đến kết quả là học sinh chủ yếu quan tâm thi vào trường nào, khoa nào, khối nào. Và phần lớn trong các buổi hướng nghiệp câu hỏi được các bạn học sinh quan tâm nhất là: “Trường đó có những khối gì? điểm chuẩn bao nhiêu? em học khối này thì thi vào trường nào?

Ngày nay, để bước chân vào ngưỡng cửa đại học và có được tấm bằng cử nhân hay kỹ sư... không khó, song học như thế nào và ra trường làm gì mới là việc phải bàn. Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2019, có 370 đơn vị đăng ký xét tuyển. Tổng số thí sinh tham gia thi THPT quốc gia là 887.104 em, trong đó có 653.278 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học của các trường năm 2019 là 489.637 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu này tăng 7% so với năm 2018. Nếu như trước kia, khi mà các trường đại học, cao đẳng trong cả nước chỉ tính trên đầu ngón tay thì nay các trường đại học “mọc lên như nấm”, coi dạy học là một nghề kinh doanh và đương nhiên là tuyển sinh cũng rất dễ dãi. Thế mới có chuyện, sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, ngoài các trường có uy tín, chất lượng thực hiện việc xét tuyển theo chất lượng và chuyên ngành đào tạo, thì nhiều trường đại học cũng tung ra đủ các hình thức chào mời như gọi điện hay gửi giấy báo trúng tuyển đến tận nhà. Trong khi đó, mối quan tâm của các bậc phụ huynh bao giờ cũng là làm thế nào để con em mình đi được đến cái đích cuối cùng là giảng đường đại học. Vậy nên ngay cả khi biết con mình sức học chỉ ở mức trung bình cũng quyết cho con vào một trường đại học, cao đẳng nào đó, chứ không chịu để con đi học nghề.

Thực tế cho thấy, ngay từ độ tuổi 15-16 các em đã có đủ nhận thức và sức khỏe để theo học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp. Nếu bắt đầu luôn với chương trình học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì các bạn học sinh chỉ cần tốn thời gian tối đa 3 năm là hoàn tất luôn chương trình THPT và cả chương trình nghề. Thời gian đó chỉ vừa ngang bằng với số năm học cấp 3 chính quy, như vậy đã tiết kiệm cho chính bản thân học sinh từ 1 – 2 năm. Với những học sinh mà trình độ không tương xứng, điều kiện gia đình còn khó khăn thì tốt nhất nên chọn học nghề thay vì học đại học, bởi vì trải qua 4 năm học, vừa tốn kém chi phí vừa mất đi cơ hội việc làm. Với khoảng thời gian này, các bạn có thể ra làm nghề sớm để tích lũy kinh nghiệm, tạo lợi thế thăng tiến trong công việc hoặc có thể học tiếp chuyên sâu về lĩnh vực mà mình mong muốn theo đuổi.

Hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên là vấn đề luôn được xã hội quan tâm, nhất là trong điều kiện thị trường lao động có sự cạnh tranh và biến động khá mạnh. Hướng nghiệp không chỉ đơn giản là việc chọn một nghề cụ thể mà là việc mưu sinh, việc khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Có thể khẳng định rằng, hướng nghiệp chính là sự định hướng cho cuộc sống tương lai, nó chính là khâu đầu tiên và đặc biệt quan trọng đến cuộc đời lập nghiệp của mỗi con người. Thế nên việc hướng nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ định hướng đúng mức từ gia đình, nhà trường cũng như nhiều tổ chức xã hội. Để các em nhìn nhận bản thân và đưa ra được sự lựa chọn tốt nhất cho bản thân trong tương lai.

Bài và ảnh: Vân Anh

Nguồn: Báo Thanh Hóa