Khởi nghiệp nông nghiệp: Chăn ong theo những mùa hoa

Ông Lê Văn Út (trái) hơn 25 năm làm nghề nuôi ong du mục cùng đồng nghiệp kiểm tra đàn ong

Với những người chăn ong, ngày nào đối với họ cũng là ngày xuân. Bởi ở nơi nào có hoa thơm, cỏ lạ thì nơi đó chính là nhà, là mùa xuân của họ. Mỗi khi những cánh rừng cao su bắt đầu thay lá, hoa dại nở trắng khắp nơi cũng là lúc người nuôi ong lấy mật bắt đầu hành trình du mục. Họ rong ruổi khắp mọi miền đất nước để tìm hoa nuôi ong lấy mật. Họ di chuyển từ cánh rừng này sang cánh rừng khác, đi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, vượt chặng đường hàng trăm, hàng ngàn cây số mang ong đến những nơi đang có hoa nở rộ để “đánh mật”.

Hiểu từng vùng đất, mùa hoa

Ông Nguyễn Đình Xuân, chủ một trang trại ong hơn 500 đàn ở Tây Ninh, chia sẻ ở mỗi vùng đất, mỗi mùa lại có một vụ hoa và khí hậu khác nhau. Đó là điều mà những người nuôi ong phải hiểu rõ để đi làm mật. Theo ông Xuân, người nuôi ong chính là những người du mục thực thụ. Bởi đến mùa hoa như thanh long, tràm nước thì ông thường di chuyển đàn ong của mình đi các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng. Vào mùa cà phê nở rộ, đàn ong lại vượt chặng đường hơn 600 km đến các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Riêng ở Tây Ninh và các tỉnh lân cận như Bình Phước, Đồng Nai, ong đi theo mùa hoa nhãn, hoa điều, tràm vàng, cao su, mãng cầu, bưởi, ổi, chôm chôm hoặc dừa. Đàn ong cũng đi theo những cánh hoa dại như mắc cỡ, hoa cỏ hôi, mai dương và hoa bí đỏ…

Nhờ di chuyển đàn ong theo những mùa hoa nên chất lượng mật ong ở mỗi mùa, mỗi thời điểm là khác nhau. “Nếu nuôi ong với quy mô lớn mà không di chuyển theo những mùa hoa, để ong cố định một chỗ thì ong sẽ đói, chết nhiều. Thậm chí có đàn còn “bùng” bỏ tổ bay đi mất. Thêm vào đó, để đàn ong an toàn, phát triển tốt thì điều quan trọng là phải tạo được ong chúa tốt, bởi ong chúa quyết định đến sinh sản, nhân giống cho cả đàn”, ông Xuân chia sẻ.

Nhọc nhằn theo cánh ong

Theo sát những mùa hoa nở ở mỗi vùng đất là điều mà người làm nghề nuôi ong phải tuân thủ. Bởi lẽ, mỗi chuyến di chuyển hàng trăm thùng ong là những chuyến mưu sinh thấm đẫm sự nhọc nhằn, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản.

Hơn 25 năm trong nghề nuôi ong du mục, ông Lê Văn Út (43 tuổi, quê Tây Ninh) cho biết: “Nơi nào có hoa thơm cỏ lạ thì người nuôi ong tìm đến. Con ong ở đâu thì con người cũng sẽ ở đó. Cứ vài tháng người chăn ong lại di cư theo những mùa hoa. Rồi phải theo sát chúng từng giờ, từng ngày ở những vùng đất mới và chăm sóc chúng kỹ càng như chăm con cháu mình”. Theo ông Út, thông thường mỗi mùa hoa kéo dài khoảng 1 - 2 tháng, người chăn ong cũng sẽ phải xa nhà, xa vợ con, lăn lộn cùng đàn ong với lán, trại ở những nơi không có điện, đầy muỗi, vắt... Nghề nuôi ong du mục không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bởi đây được xem là một nghề tiềm ẩn nhiều may rủi. Gặp địa điểm thuận lợi, nhiều hoa, thời tiết tốt thì người nuôi ong gặp thời. Ngược lại, người nuôi ong có thể phá sản…

“Công việc hằng ngày tuy khá đơn giản nhưng người chăn ong phải tỉ mỉ, có kinh nghiệm vì nếu lơ là sẽ thất bại trong gang tấc. Mỗi con ong thường bay đi tìm thức ăn trong khoảng 3 km2 trong vùng hoa là đạt. Tuy nhiên, bệnh tật có thể ngừa được nhưng “dính” thuốc bảo vệ thực vật thì rất khó lường. Chẳng may ong hút phải hoa mới phun xịt thuốc thì sẽ chết hàng loạt. Vào mùa mưa, ong đói mật, nếu cung cấp thiếu thức ăn, nhiều đàn “bùng” tổ bỏ đi hoặc tự cắn lẫn nhau rồi chết”, ông Út chia sẻ.

Theo tính toán của ông Nguyễn Đình Xuân, trung bình nếu mùa hoa nở rộ, từ 15 - 30 ngày là có thể thu được mật. Cứ 10 đàn ong thì cho khoảng 200 lít mật/năm. Với giá thị trường hiện nay 300.000 đồng/lít mật thì người nuôi ong thu được khoảng 60 triệu đồng. Trừ đi chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng gồm ong giống, dụng cụ nuôi, thức ăn thì người nuôi vẫn lời được khoảng 40 triệu đồng.

Theo ông Xuân, cái khó nhất trong nghề nuôi ong chính là đầu ra cho mật ong. Nếu mật ong bán cho thương lái thì giá rất “bèo”, còn tự bán lẻ sẽ cao hơn nhưng rất khó bởi tâm lý người dân còn nghi kỵ về chất lượng ong nuôi. “Trên thực tế, nuôi ong du mục theo những mùa hoa chính là nguồn mật tốt nhất trong tự nhiên”, ông Xuân chia sẻ.

Theo Thanh niên

Nguồn: Báo DĐDN