Khởi nghiệp thành công từ thuê đất làm nông

Mỗi năm, trừ mọi chi phí, anh thu lãi hơn 300 triệu đồng từ chính đồng đất quê hương mình.

Anh Minh vận hành máy xới đất, tạo luống chuẩn bị xuống giống cây vụ đông.

Trước thời điểm năm 2010, anh Minh cũng như nhiều thanh niên ở Bình Nguyên bươn trải với đủ thứ nghề. Khi có công việc ổn định tại xí nghiệp gạch nung ở gần nhà thì cũng là lúc anh nhận thấy người nông dân quê mình bắt đầu “chán” với sản xuất vụ đông. Quỹ đất thì nhiều, người làm thì ít đã cho anh một ý tưởng táo bạo là bỏ việc, về làm nông dân.

Anh Minh chia sẻ: Quê tôi có truyền thống trồng cây vụ đông từ lâu. Khi lúa chín gặt về nhà là cánh đồng lại xanh màu bí, ngô, khoai lang, khoai tây. Ngày mùa cũng như ngày đông, trên cánh đồng đều nhộn nhịp. Nhưng những năm gần đây, diện tích trồng cây vụ đông đã giảm đáng kể bởi lực lượng lao động đi làm ăn xa, làm công nhân tại công ty, xí nghiệp ngày càng nhiều. Gia đình tôi đã mạnh dạn thuê gần 7 mẫu ruộng để trồng lúa và sản xuất cây màu quanh năm.

Nhờ cần cù, chịu khó, không khuất phục, chùn bước trước những khó khăn, thất bại, 7 mẫu ruộng trồng lúa, bí, cà chua và rau màu đã cho gia đình anh những “quả ngọt”. Có lưng vốn, vợ chồng anh Minh lại tái đầu tư mua máy cày, xới đất, máy cấy, máy gặt để giải phóng sức lao động con người. Khi công việc đồng áng của gia đình đã vãn, anh lại mang máy đi khắp các cánh đồng trong xã làm thuê cho bà con với giá thuê gặt lúa là 100.000 đồng/sào và 120.000 đồng/sào thuê xới đất.

Anh Minh tâm sự: Khi thuê đất trồng cà chua vào vụ đông đầu tiên, gia đình tôi bị lỗ nặng vì cà chua chết hàng loạt do chưa chăm sóc đúng cách. Khi cà chua chín thì không thu hoạch kịp, gặp thời tiết bất lợi cũng bị thiệt hại. Không bỏ cuộc, sau vụ đó, tôi thận trọng hơn, tuân thủ quy trình từ làm đất đến thu hoạch cũng như mày mò tìm đầu ra cho sản phẩm. Thu nhập từ cây vụ đông cao hơn trồng lúa rất nhiều. Chẳng hạn như trồng bí xanh, mỗi vụ có thể thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/sào, trừ mọi chi phí giống, phân bón và công cán, người nông dân cũng bỏ túi gần 5 triệu đồng...

Nông dân xã Bình Nguyên (Kiến Xương) chăm sóc cây vụ đông.

Ngoài diện tích cấy lúa, anh Minh trồng các lại cây màu chủ lực như cà chua, bí xanh, khoai tây mà không dàn trải để tiện chăm sóc và thu hoạch. Với các loại nông sản của gia đình anh Minh, thương lái đến tận vườn thu mua nên gia đình không cần phải đem đến các chợ bán lẻ.

Theo anh Minh: Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình ở Bình Nguyên có tham gia trồng cây vụ đông theo dự án, có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nhưng chỉ duy trì được vài vụ thì doanh nghiệp dừng ký kết vì số lượng không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là mô hình liên kết hiệu quả, nếu tuân thủ và có sự ràng buộc giữa người nông dân và doanh nghiệp thì chúng tôi không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, gia đình tôi nói riêng, bà con nông dân xã Bình Nguyên nói chung vẫn “tự sản, tự tiêu”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Nhuần, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Nguyên cho rằng, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp luôn được tỉnh khuyến khích nhân rộng. Bằng cách này, người dân có điều kiện đầu tư phương tiện cơ giới vào các khâu, nhất là sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo vùng liên kết sản xuất. Gia đình anh Minh là một trong số ít hộ dân tích tụ ruộng đất và phát triển kinh tế nhờ trồng lúa và cây màu. Từ mô hình của anh Minh, địa phương đang nghiên cứu xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa theo hướng liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho nông sản của bà con. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, rất cần sự đồng thuận, phối hợp tích cực của người dân.


Nguồn: Báo DĐDN