Khởi nghiệp từ trái nhàu

Anh Khưu Văn Chương, 44 tuổi, nghỉ việc mức lương 20 triệu đồng mỗi tháng, về quê làm nước cốt nhàu, bán hàng nghìn chai mỗi năm, lợi nhuận hơn tỷ đồng.

Sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, từ nhỏ anh Chương đã biết đến cây nhàu - loại thực vật được ví như "thần dược". Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và có việc làm tại TP HCM với mức lương ổn định, nhưng anh vẫn muốn tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ loại cây quen thuộc ở quê nhà.

Nguyên liệu đầu vào được anh Chương kiểm soát. Ảnh: An Minh

Anh Khưu Văn Chương trong vườn nguyên liệu nhàu. Ảnh: An Minh

Năm 2018, anh Chương quyết định nghỉ việc ở công ty viễn thông để về làm nước cốt nhàu. Từ vốn kiến thức tự học, anh bỏ ra gần 700 triệu đồng chuyển đổi 5 ha đất nuôi tôm của gia đình sang trồng 15.000 gốc nhàu. "Sau khi cha mất, đất đai gia đình không ai trông coi càng thôi thúc tôi về quê thực hiện dự định", anh Chương nói, cho biết tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng một tỷ đồng.

Thời gian đầu, các giống nhàu trồng không hợp đất, chết khá nhiều. Không nản lòng, chủ vườn nghiên cứu cách trồng phù hợp. Thời gian này, vợ anh Chương vẫn làm việc ở TP HCM để có thu nhập trang trải kinh tế gia đình. Sau hơn một năm đầu tư, hàng nghìn cây nhàu phát triển tốt và cho trái.

Trong thời gian chờ nguồn nguyên liệu ổn định, anh Chương tìm cách chiết xuất nước cốt từ trái nhàu. Khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu là làm mất mùi hăng của trái nhàu nhưng vẫn giữ được hương vị và công dụng. Qua nhiều lần thử nghiệm với hàng chục mẫu nước cốt, anh đã chọn ra công thức ưng ý.

Nước cốt nhàu chiết ra, anh Chương đem tặng người thân dùng thử, nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhiều khách hàng tìm đến cơ sở hỏi mua sản phẩm. Năm 2020, anh thành lập công ty sau khi chuẩn bị được vùng nguyên liệu ổn định. Vợ anh cũng nghỉ làm ở Sài Gòn để về quê cùng "gánh vác" công ty.

Tại cơ sở của anh, nước cốt được làm ra từ những trái nhàu tươi thu hoạch tại vùng nguyên liệu sạch, canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Chỉ những trái nhàu tươi đạt độ chín từ 80% trở lên mới được chọn làm nguyên liệu.

Trái nhàu đạt chuẩn sẽ được rửa sạch, để khô rồi ủ trong 12 tháng, tiếp đó đưa vào máy tách dịch và hạt nhàu, pha chế theo các dòng sản phẩm. 3-4 kg nhàu tươi cho một lít nước cốt nguyên chất.

Trong trái nhàu có khoảng 200 hoạt chất với tác dụng chăm sóc sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật. Ảnh: An Minh

Trong trái nhàu có khoảng 200 hoạt chất với tác dụng chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Ảnh: An Minh

Theo anh Chương, tại các nước như Mỹ, Úc, nước cốt nhàu không còn xa lạ. Sản phẩm này được biết là "thần dược" giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, các chất iridoids phát hiện trong trái nhàu có tác dụng chống ung thư, đột biến tế bào.

"Các sản phẩm của nước ngoài có giá khá cao, nên tôi mong tạo ra nước cốt nhàu giữ được hương vị tự nhiên, giá cả phù hợp, người dân dễ dàng mua được", anh Chương nói, cho biết hiện đã hợp tác với một số hộ dân mở rộng trồng khoảng 10 ha cây nhàu để chủ động nguồn nguyên liệu. Chủ nhà máy cũng quảng bá sản phẩm tại các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, chương trình khởi nghiệp, đăng ký bảo hộ thương hiệu...

Hiện mặt hàng nước cốt nhàu của anh Chương được chia thành hai dòng cao cấp và cơ bản, tiêu thụ thông qua 30 đại lý trên cả nước và các sàn thương mại điện tử. Cơ sở làm 4 định dạng đóng chai, giá dao động 150.000-380.000 đồng, tùy dung tích và dòng sản phẩm, để đáp ứng nhu cầu của khách.

Năm 2023, anh Chương bán ra thị trường hơn 5.000 chai nước cốt nhàu, thu lợi nhuận khoảng một tỷ đồng. Ngoài bán trong nước, sản phẩm còn xuất ra nước ngoài theo đường tiểu ngạch. Dịp Tết vừa qua, nhu cầu của khách cao gấp 3 lần năm rồi, số lượng đặt hàng khoảng 1.000 chai.

Anh Chương cho biết công ty sẽ mở rộng sản xuất để xuất khẩu chính ngạch, đưa sản phẩm ra các thị trường quốc tế. Hiện có một số đối tác muốn hợp tác để đưa nước cốt nhàu qua Mỹ, châu Âu.

Nguồn: vnexpress