Giải pháp hỗ trợ sản xuất nông sản ở Nhật bản: Bán hàng qua website

Trang web của Chính phủ tỉnh Wakayama quảng bá các sản phẩm thực phẩm địa phương khác nhau để người tiêu dùng có thể mua trực tuyến khi ở nhà.

Cơ hội kinh doanh mới

Nhiều người dường như đang cố gắng cải thiện chất lượng cuộc sống bằng các loại thức ăn ngon dù họ tiếp tục được chính quyền yêu cầu không cho ra ngoài. Các nhà phân tích cho biết, động thái này sẽ mang lại cơ hội kinh doanh mới cho những nông dân đang phải vật lộn với nhu cầu giảm mạnh từ ngành dịch vụ ăn uống.

Makoto Takahashi, 46 tuổi, Chủ tịch của một công ty ở Hanamaki (tỉnh Iwate) cho biết: “Chúng tôi dành một năm để sản xuất thịt lợn thương hiệu Hakkinton, tuy nhiên doanh thu bị giảm khoảng 40% so với cùng kỳ tháng 3 năm ngoái. Trước đây, công ty thường giao dịch với hơn 200 nhà hàng ở Nhật Bản, tuy nhiên, trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid-19, nhu cầu đặt hàng từ các nhà hàng đã giảm mạnh”.

Kể từ tháng 3/2020, các nhà quản trị mạng đã hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bằng cách thiết lập một chuyên mục mua bán thực phẩm trực tuyến trên trang web.

Số lượng nhà sản xuất thực phẩm đăng ký trên thị trường trực tuyến Pocket Marche, nơi kết nối họ với người tiêu dùng ngày càng tăng. Theo các nhà quản trị mạng, các đơn đặt hàng được thực hiện qua trang web trong tháng 4/2020 tăng gấp 10 lần so với tháng 2/2020 và số lượng người dùng đăng ký đã lên đến 140.000 người. Các nhà sản xuất có thể hướng dẫn người tiêu dùng cách nấu và bảo quản sản phẩm, đồng thời người tiêu dùng có thể đăng thông điệp và hình ảnh về các món ăn mà họ đã làm trên trang web.

Thịt lợn Hakkinton được đăng bán trên trang Pocket Marche. Theo ông Takahashi: “Hakkinton sẽ mất giá trị thương hiệu nếu chúng ta bỏ lỡ thời điểm bán hàng thích hợp. Công ty đã nhận được những thông điệp tích cực từ người tiêu dùng, chẳng hạn như “Nó rất ngon” và “Cố lên!”, “Chúng tôi rất biết ơn và cảm thấy được khích lệ”.

Thu hút người tiêu dùng

Ryoshi-san Chokuso Shijo, trang web bán các loại hải sản như ốc biển, tôm hùm Nhật Bản,… cũng đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Trong khi đơn đặt hàng từ các quán ăn giảm mạnh, số lượng từ các hộ gia đình đăng ký mua trên mạng tăng gấp 4 lần so với tháng 4 năm ngoái.

Yoichiro Uegaito, Chủ tịch điều hành trang web có trụ sở tại Nara, cho biết: “Tôi nghĩ, nhiều người đang cố gắng làm phong phú chế độ ăn uống của họ và thích ăn uống khi ở nhà”.

Cuối tháng 4/2020, Toyosu no Kiwami mở dịch vụ vận chuyển thực phẩm tươi sống như cá tráp biển đỏ, tôm sú Nhật Bản, thậm chí cả các loại rau tươi từ chợ đầu mối Toyosu ở Tokyo đến các hộ gia đình. Một nhân viên điều hành dịch vụ cho biết, dịch vụ này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. “Số lượng đơn đặt hàng cao gấp 10 lần mức dự đoán, điều này giúp bảo vệ cuộc sống và việc làm của các nhà sản xuất thực phẩm và công nhân trong ngành phân phối,” nhân viên này nói.

Khu vực công cũng đang có những nỗ lực tương tự. Chính quyền tỉnh Wakayama đã khởi động một trang web cổng thông tin đặc biệt để bán các sản phẩm địa phương như mận và cam mikan trực tiếp cho người tiêu dùng đang ở nhà.

Một quan chức của Wakayama cho biết, dự án xây dựng trang web bán hàng trực tuyến sẽ giúp các nhà sản xuất thực phẩm địa phương giảm bớt khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm.


Nguồn: Báo KTNT