Uống bia không cồn tại Việt Nam vẫn bị phạt?

Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường bia không cồn toàn cầu kỳ vọng đạt 5,91 tỉ USD vào năm 2023. Một báo cáo khác của The Drinks Business nhận định doanh thu bia không cồn tại châu Âu đạt mức gần 2 tỉ USD.

Tại thị trường Singapore, Heineken đang đầu tư rất mạnh mẽ cho dòng bia không cồn, mà một năm công ty này bỏ đến 20% ngân sách để hướng việc tiếp thị thuyết phục khách hàng cho loại bia này.

Tại Singapore, do thuế bia rượu đắt đỏ nên nhiều người chọn bia không cồn để có giá rẻ. Theo hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, năm 2018, tăng trưởng doanh số bia không cồn tại Singapore lên đến con số 58%.

Ông Andy Hewson, Giám đốc điều hành Heineken tại Singapore ước tính, doanh số bia không cồn sẽ tăng do luật Singapore ngày càng nghiêm khắc trong việc uống bia rượu lẫn người dân quan tâm nhiều đến sức khỏe.

Tại Việt Nam, các loại bia không cồn cũng đã xuất hiện, tuy nhiên chưa phổ biến. Nhưng nhiều dự báo cho rằng, với Nghị định 100 khả năng thị trường bia không cồn sẽ lên ngôi.

Tuy nhiên, một chuyên gia cho biết, điều này là chưa chắc chắc. Mặt khác, nếu nói về bia không cồn cũng chưa chính xác lắm vì vẫn có nồng độ cồn. Như bia không cồn của một công ty tại Việt Nam đạt nồng độ 0,03% (luật Singapore quy định dưới 0,5% độ côn được xem là bia không cồn). Một số thương hiệu bia không cồn như Fitbeer, Mikkeller cũng đạt mức 0,3%, hay Pils là 0,5%.

"Do đó, dù có uống bia không cồn thì người đi xe vẫn bị phạt vì Nghị định 100 của Việt Nam quy định, lớn hơn 0% là bị phạt", vị chuyên gia này nói.

Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về các mức phạt dành cho người vi phạm đối với xe máy như sau:

Phạt tiền 2-3 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở.

Phạt tiền 4-5 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/lít khí thở.

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở. Ngoài bị phạt tiền người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Đối với ôtô: Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/lít khí thở.

Phạt tiền 30-40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.

PHƯƠNG MINH

Nguồn: Báo PLO