Trồng lúa nước ở nơi “đất mỏng, đá dày”
Men theo cánh đồng Ná Coọc, ông Lương Xuân Hương - Bí thư Chi bộ bản Na Xái (xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp) không giấu được niềm vui khi vụ mùa vừa qua, mỗi ha trồng lúa của Na Xái cho thu hoạch gần 61 tạ thóc.
Đó dường như là một kỳ tích ở nơi “đất mỏng, đá dày” này, bởi Na Xái có hơn 90% diện tích là đồi núi, bà con đều là đồng bào người Thái với sinh kế chủ yếu dựa vào diện tích lúa rẫy bạc màu.
“Trước đây dù nhọc nhằn chăm sóc, nhưng mỗi ha rẫy cao lắm cũng chỉ thu về 20 tạ thóc mà thôi. Nhưng làm gì có ai làm nổi 1 ha, chỉ 4 - 5 sào là lớn lắm rồi. Vì vậy mà cái đói, cái nghèo vẫn luôn là nỗi ám ảnh mỗi khi mùa giáp hạt về”.
Bí thư Chi bộ Na Xái Lương Xuân Hương
Cho đến những năm 2010, khi Đảng ủy xã Liên Hợp ban hành Nghị quyết về việc thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường khai hoang các diện tích đất gần khe, suối và đưa giống lúa Thiên ưu về canh tác thì mọi thứ đã thay đổi.
Bà con học cấy lúa, bón phân, tập sử dụng máy cày, máy tuốt, nhờ vậy những thửa ruộng cũng đã ngay hàng thẳng lối. Cái tay vốn chỉ quen cầm rạ, cầm dùi tra hạt, nay chuyển sang cầm cuốc, cấy lúa cũng có phần lạ lẫm, nhưng khi đã quen thì thấy làm lúa nước đỡ vất vả hơn trồng trên rẫy, năng suất và hiệu quả lại cao hơn nhiều.
Giờ đây, người dân Na Xái không chỉ làm chủ thực sự trên thửa ruộng của mình, mà còn có những sáng tạo để khắc phục những bất lợi từ điều kiện sống khắc nghiệt của thiên nhiên.
Thấy chúng tôi đi qua chân đồi Huồi Kị, một người đàn ông xốc vác, niềm nở vội vã tiến đến ôm chầm lấy Bí thư Chi bộ Lương Xuân Hương. Qua lời giới thiệu, chúng tôi được biết đó là anh là Lương Văn Vĩnh (SN 1983) – người đã cần mẫn khai hoang mảnh đất bên dòng khe Kị để đưa cây lúa nước về canh tác.
Trong câu chuyện của mình, anh Vĩnh vẫn còn nhớ như in những ngày còn trẻ rời bản để kiếm việc làm thuê ở những thành phố lớn với bao dự định.
Nhưng sau nhiều lần đi và thất bại, anh Vĩnh nhận ra rằng, dù bản làng Na Xái là mảnh đất còn nhiều khó nhọc, nhưng anh tin, bằng sức trẻ và sự quyết tâm của mình.
Anh động viên vợ quyết tâm bám đất làm ăn, tận dụng những diện tích đất có thể canh tác để "gieo" niềm tin từ cây lúa nước. Giờ đây, gia đình nhỏ của anh đã có hơn 5 sào ruộng tốt tươi trên mảnh đất đã từng là đồi hoang đầy đá sỏi.
Sau thành công của anh Vĩnh, ông Hương lấy đó làm tấm gương cho bà con trong bản để thuyết phục mọi người bám đất làm ăn. Giờ đây, toàn bản Na Xái đã có thêm gần 12 ha ruộng nước, tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước.
Điều đặc biệt, với giống lúa mới, nhiều năm qua, mỗi ha ruộng mang về sản lượng bình quân trên dưới 60 tạ mỗi vụ, tạo tiền đề vững chắc cho đời sống bà con trong bản.
Đổi mới nếp nghĩ
Đỗ chiếc xe bán tải ngay ngắn ven đường, anh Lê Quang Trung (SN 1983) vội vã trao cho vợ nửa yến muối để kịp “tiếp viện” cho đàn bò 12 con mà gia đình đang chăm sóc.
Nhớ lại những ngày đầu mới cưới vợ, gia đình hai bên lại khó khăn nên bố mẹ anh phải chạy vạy khắp nơi mới dành dụm đủ tiền cho vợ chồng trẻ đôi bò con để lấy vốn làm ăn.
Vì nhà ở gần thung Cọ nên nguồn thức ăn cho bò luôn dồi dào, phong phú. Chỉ có điều, bò ở Na Xái lâu nay vẫn quen với lối thả rông, ăn ngoài rừng, ngủ ngoài rừng mà thiếu đi sự chăm sóc, phòng bệnh của người nuôi nên con nào con nấy ốm nhách.
Chưa kể, nhiều năm qua, khi thời tiết có nhiều biến đổi thất thường, bò bị bệnh dịch hoặc chết cóng trong rừng không còn là hiếm. Vậy nên bản làng chưa thấy ai giàu lên nhờ nuôi bò cả.
Ấy thế mà vợ chồng anh Trung lại khiến nhiều bà con trong bản phải ngạc nhiên khi kinh tế gia đình ngày càng khấm khá nhờ phát triển chăn nuôi bò. Lý do là bởi, chị Lữ Thị Hà (SN 1985) - vợ anh Trung là một đảng viên trẻ, giàu năng động, nhiệt huyết ở Chi bộ Na Xái.
Qua nhiều lần được các đồng chí trong cấp ủy xã vận động, áp dụng phương thức chăn nuôi bán chăn thả để làm gương cho bà con trong bản, chị đã về động viên chồng xây dựng chuồng trại, tìm hiểu các tài liệu sách báo để chăn nuôi theo hướng này.
Nhờ vậy, 12 con bò và 6 con lợn thịt của gia đình được tiêm phòng đầy đủ, mùa Đông được che chắn an toàn. Bình quân mỗi năm vợ chồng anh Trung xuất chuồng 3 con bò, 2 lứa lợn để có vốn quay vòng sản xuất. Số tiền tích góp được, anh chị đầu tư một chiếc xe bán tải nhỏ để vận chuyển vật liệu xây dựng cho người dân trong vùng. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, gia đình anh trở thành điểm sáng trong làm ăn kinh tế của bản làng.
Kết thúc hành trình khám phá Na Xái, chúng tôi được Bí thư Chi bộ bản dẫn tới điểm trường Tiểu học Liên Hợp. Đây là ngôi trường nằm trên trục đường chính của bản.
Nhìn những cô cậu học trò đang chăm chú nghe giảng, ông Lương Xuân Hương không giấu được niềm tự hào khi cho biết, 100% trẻ em của Na Xái đều được đến trường.
“Bà con trong bản đều là người Thái, trước đây vì không có điều kiện học tập nên ít người biết nói và viết thành thạo tiếng phổ thông lắm. Đó là lý do khiến cho bà con gặp khó trong giao thương, tiếp xúc và đó cũng là căn nguyên của đói nghèo, lạc hậu. Do vậy, khi điểm trường tiểu học được dựng nên, hầu như nhà nào cũng khuyến khích con em đến trường để có một tương lai tốt đẹp hơn”.
Bí thư Chi bộ Na Xái Lương Xuân Hương
Trước khi chia tay, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hợp Lương Minh Quang không quên chia sẻ với chúng tôi rằng, cho dù Na Xái không được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, cuộc sống của bà con đã từng bị bó hẹp trong khuôn khổ của những tập tục lạc hậu, nhưng những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của các cấp ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cuộc sống của bà con nhờ vậy đã có nhiều khởi sắc.
Tính đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân của người dân đã đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, trong đó, có 20 hộ đã vươn lên mức khá giả.
Giờ đây nhắc đến Na Xái, mọi người đã được nghe nhiều câu chuyện về những người dám thay đổi tư duy, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, nhất là trong phương thức phát triển kinh tế.
Bức tranh Na Xái đã được chấm phá thêm nhiều sắc màu tươi sáng, đó là sắc màu của tình đoàn kết, đồng thuận và phấn đấu vươn lên của chính bà con dân bản.